từ MÀN HÁT LÈO đến siêu kiếm khách ĐỘC CÔ CẦU BẠI
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Ngày trở về, anh bước lê trên quãng đường đê đến bên lũy tre, nắng vàng hoe, người ra trước hè cười đón người về … ai cũng biết là một ca khúc đồng quê lãng mạn của lão nhạc sĩ Phạm Duy, bây giờ vậy mà vẫn còn ăn khách lắm. Thời xa xưa cụ bà Thái Thanh rên bản nhạc này thì hết xẩy. Nhưng thời đại mới, đòi hỏi tài năng mới cho hợp với trào lưu thưởng thức dzăng nghệ, giọng ca vượt thời gian của cụ bà đành phải nhường vị trí lại cho các gịọng vịt đực. Hiện nay, trình bầy nhạc phẩm này thành công nhất không ai ngoài chính lão nhạc sĩ Tác Giả và kế đến là mấy mầm già văn nghệ khác như các “em” Cao Cầy hoặc Đổ Máu. Chuyện mới gây ngạc nhiên trong làng xướng ca tại hải ngoại là lão tướng mầm già văn nghệ Lào Vang Pao, người say mê nhạc mùa chinh chiến, vừa lên sân khấu tại Fresno cách đây mấy bữa với bản Ngày Trở Về đã thu hút giới giang hồ sành điệu không ít. Báo chí Mỹ đổ xô vào làm tường thuật và tán dương nức nở.
Ký giả Jerry Harmer của hãng thông tấn AP hôm 26-12 loan tin chính quyền Thái Lan đã ra lệnh trục những người Hmong đang tỵ nạn trên đất Thái về Lào. Theo bản tin, chính quyền Thái Lan đã đưa quân đội có trang bị khiên (shields) và dùi cui (batons) để cưỡng bức khoảng 4000 người Hmong phải rời khỏi Thai trở về Lào, bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia và các nhóm nhân quyền. Họ sợ rằng những người này sẽ bị bọn cầm quyền Lào cộng hành hạ.
Từ năm 1975 trở đi, có khoảng 300.000 người Lào, đa số là sắc dân Hmong đã trốn qua đất Thái. Phần lớn đã hồi hương hoặc định cư ở những quốc gia thứ ba, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nhưng nay Washington nói họ không có chương trình tái định cư cho người Hmong nữa.
Vì biết được chuyện phải xẩy đến và sẽ đến, người lãnh đạo có uy tín và được người Hmong thương mến là tướng Vang Pao ngày 22-12 đã tuyên bố ông phải trở về Lào. Ai cũng biết đây là một quyết định rất khó khăn đối với ông. Một người quyết liệt chống lại Pathet Lào và cộng sản VN nổi tiếng như ông trở về có thể sẽ bị coi như đầu hàng đối với nhiều người. Đàng khác bọn Lào cộng cũng không dễ gì chịu để cho ông trở về bằng yên. Hôm thứ Sáu 25-12, bọn cầm quyền Lào cộng tại Vientian đã bác bỏ kế hoạch trở lại Lào của tướng Vang Pao. Lào cộng nói chúng không có gì cần giải hòa với ông, và chúng sẽ tử hình ông khi ông về nước.
Cộng đồng tỵ nạn Lào trên thế giới có người bầy tỏ cảm tình và lo ngại cho ông, nhưng cũng có người trách móc ông cay đắng lắm. HmoobSac viết: “Tôi biết ông yêu người Hmong, và chúng tôi cần ông. Ông vẫn còn là NGƯỜI DUY NHẤT có thể liên kết người Hmong lại với nhau.” (I know that you (Vang Pao) do love the Hmong, but we need you. You are still the ONLY ONE that can keep all the Hmong together. Nhưng Lorson thì lại khác, đã nói: “Xin ông, thưa ông Vang Pao, nhân dân chúng tôi khổ đã đủ vì nghe ông nói láo rồi. Hàng ngàn người Hmong đã bị ngược đãi, bị giết vì ông. Trước ông đem họ vào rừng và hứa rằng ông sẽ giải phóng nước Lào, nhưng lại là con đường cùng chết chóc. Bây giờ, ông lại muốn những người này ra khỏi rừng và sống hòa bình với cộng sản. Tôi không tin bọn cầm quyền Lào sẽ thỏa hiệp bất cứ cái gì trong kế hoạch của ông. Tại sao ông không làm việc này 30 năm trước đây? Như thế ông có thể cứu được biết bao nhiêu mạng người. Tôi tin chắc rằng luật pháp sẽ xử tử hình hoặc chung thân kẻ nào phản bội. Đừng sử dụng người dân chúng tôi cho mục tiêu chính trị và làm tiền của ông.” (Please, Vang Pao, our people have suffered enough becouse your lies. Thousands of Hmong have been mistreated and killed becouse of you. First you led them to the jungle by promising that you will liberate the Lao nation and that was a dead end road. Now, you want to have these people to come out of the jungle and be peace with the communist government. I don't believe the Laotian government will compromise any of your plans. Why didn't you do it 30 years ago? You could have saved so many lives. I'm certain that the law against a person who commited treason in Laos is life in Prison or death. Don't use our people for your political and financial gain)
Trước những ý kiến trái ngược của người Hmong về cuộc trở về của tướng Vang Pao, là kẻ ngoài cuộc, phần lớn người Việt chúng ta có lẽ không am tường về cộng đồng người tỵ nạn Lào. Do đó cũng không mấy hiểu biết về tướng Vang Pao. Tên tuổi ông tướng Lào này nổi lên một lần cách đây 3 năm khi ông bị truy tố ra toà án Liên Bang tại California về tội vi phạm luật Neutrality Act với tội danh mưu toan lật đổ cái gọi là chính phủ Lào bằng vũ lực, và lần này nữa khi ông tuyên bố trở lại quê hương.
Trong bài diễn văn cảm động tối ngày thứ Ba 22-12-2009, trước một cử tọa khoảng 1000 đồng bào của ông, tướng Vang Pao loan báo ông có kế hoạch trở về Lào sau 35 năm sống lưu vong. Hôm đó cũng là ngày ông mừng sinh thật thứ 80 của ông. Tướng Vang Pao vẫn được người Lào tỵ nạn coi như người lãnh đạo có uy tín của họ tại Hoa Kỳ. Ông sinh ngày 8-12-1 928 tại XiangKhuang, miền trung nước Lao. Ông thuộc sắc tộc Hmong và là một quân nhân chuyên nghiệp. Trong thời chiến tranh chống Pathet Lào và bộ đội VGCS xâm lăng Lào, ông là một Thiếu Tướng trong quân đội Hoàng Gia Lào. Năm 1975 khi nước Lào rơi vào tay CS, ông di cư sang Mỹ. Ông được sự kính nể rộng rãi trong cộng đồng người Lào tỵ nạn. Tại Mỹ ông sáng lập ra tổ chức Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Lào (United Lao National Liberation Front) gọi tắt là ULNF. Tổ chức của ông chủ trương dùng vũ lực để giải quyết chế độ CS trong nước. Chính quyền Mỹ của Tổng Thống Bush con vin vào lý do đó để gài bẫy bắt ông. 9 người nữa cũng bị bắt với ông ngày 4-6-2007. Cái lý do thầm kín khiến người Mỹ cố tình triệt hạ tướng Vang Pao là gì thì khó biết được. Tang chứng là vài thứ vũ khí thô sơ như súng AK47, súng phóng lựu, và hỏa tiễn Stingers. Ông bị truy tố ra tòa, nhưng ngày 18-9-2009, chính quyền Liên Bang đã hủy bỏ các cáo buộc pháp lý đối với ông về âm mưu dùng vũ lực lật đố cái gọi là chính quyền CS Lào.
Trong bài diễn văn đọc trước bữa tiệc mừng sinh nhật và cũng là để loan báo vệc trở về, tướng Vàng Pao nói: “Chúng ta phải làm một cuộc thay đổi ngay bây giờ, chính quyền Lao đã mở cánh cửa. Chúng ta nên đặt trên bàn một cái gì đó và ngồi xuống bình tĩnh nói chuyện.” Rồi ông thúc dục mọi người: “Phải quên quá khứ đi để chúng ta có thể đem họ (người tỵ nạn Lào ở Thái) về đời sống bình thường. Hiện nay chính quyền Lào cho rằng đã đến lúc sống chung hòa bình với quyền bình đẳng và các cơ hội bình đẳng.” Và cuối cùng ông kết luận bài diễn văn đầy cảm động như sau: “Tôi là người bắt đầu, và cuối cùng tôi sẽ là người kết thúc. Tôi sẽ không bỏ cuộc. Tôi sẽ cõng đồng bào tôi trên lưng cho dù họ nặng đến cỡ nào. Bởi vì những người Hmong bị bẫy trong rừng và trong các trại tỵ nạn, nên tôi có trách nhiệm giải quyết vấn đề.”
Tướng Lào Vang Pao đang là một tay chống cộng rất đỗi quyết liệt, thế mà bỗng nhiên ông chịu đầu hàng coi như là vô điều kiện. Tại sao thì xin đi từ nguyên nhân rồi xét đến các sự kiện có thể sẽ tìm ra được câu trả lời.
Có nhiều ông tướng cầm quân trong chiến tranh Đông Dương đi tỵ nạn sau khi thất trận, đã tìm đường trở lại xứ sở bằng những con đường khác nhau. Thí dụ như con đường trở về của tướng Vang Pao khác với con đường trở về từ kháng chiến đến canh tân của tướng Hoàng Cơ Minh. Lý do tưóng Vang Pao đưa ra để biện minh cho việc làm của mình, xét về mặt đạo đức thì được coi là chính đáng, khác với trò bịp dựng lên kháng chiến bịp, chiến khu ma để làm tiền đồng bào của phó đề đốc Minh. Tướng Vàng Pao tuyên bố ông trở về để giải quyết vấn đề người Lào tỵ nạn nằm trên đất Thái hàng mấy chục năm nay đã không được giải quyết. Những người này chịu đựng đau khổ đã quá đủ rồi. Có thể ông sẽ bị thiệt thòi, nhưng là để cứu đồng bào của mình như chính ông đã nói: “I will carry my people on my back no matter how heavy they are.” (Tôi sẽ cõng đồng bào tôi trên lưng cho dù họ nặng thế nào đi chăng nữa). Nghe mủi lòng thiệt. Chết cho ông hẳn có nhiều người Lào dám chết lắm. Ông còn quả quyết hơn nữa: I will live for my people, I will die for my peoplẹ” (Tôi sẽ sống cho đồng bào tôi, và tôi sẽ chết cho đồng bào tôi). Mặc dầu có dư luận cho rằng tướng Vang Pao buôn bán kháng chiến để kiếm tiền, và nhân việc ông tuyên bố trở về có người đã lên tiếng mạt sát ông (như trích dẫn ở trên), nhưng sự thật là cuộc chiến đấu chống cộng của người Hmong trên đất Lào vẫn còn tồn tại, và những đồng bào người Hmong của ông tỵ nạn trên đất Thái là cây cầu nối liền giữa kháng chiến trong nước và bên ngoài. Chuyện kháng chiến trong nước Lào của người Hmong là có thực chứ không phải những trận đụng độ tưởng tượng mà báo Kháng Chiến của Hoàng Cơ Minh rêu rao để lừa bịp đồng bào. Lực lượng kháng chiến trong nước Lào của người Hmong là nguyên nhân khiến bọn cầm quyền Vientiane quyết tâm phải nhổ sạch các trại tỵ nạn Lào tại Thái Lan. Mặc dù việc trở về của tướng Vang Pao có thể coi là một hành vi đầu hàng, nhưng ít nhất nó có lý do chính đáng xét về mặt nhân đạo, trái hẳn với màn kịch trở về bịp bợm của Hoàng Cơ Minh, hoặc như của các tên phản tướng Đỗ Mậu và Nguyễn Cao Kỳ, cũng là những kẻ đã trở về. Ít nhất người ta có thể tin được rằng việc làm của tướng Vang Pao không phải là chuyện bịp bợm, nhưng có nằm trong âm mưu của người nào không thì lại là chuyện khác.
Trên đời có nhiều chuyện xẩy ra không thể là ngẫu nhiên được. Chung quanh việc tướng Vang Pao về nước, có những sự kiện có vẻ chẳng dính dáng gì với nhau, đáng coi là ngẫu nhiên. Nhưng nếu đem xếp chúng lại trong toàn cảnh của vấn đề, người ta mới khám phá ra được cái ẩn dấu bên trong. Những sự kiện chẳng hạn như:
1- Việc chính quyền Mỹ nhưng không hủy bỏ lệnh truy tố tướng Vang Pao. Đây là một vấn đề có liên hệ đến bang giao. Chuyện phạm pháp của tướng Vang Pao đã đủ bằng chứng như FBI trưng ra(?). Mỹ không truy tố, Lào có thể làm rùm beng chuyện này nếu họ muốn. Dù nước Lào nhỏ bé, nhưng nó lú thì đã có thằng chú nó là Trung Cộng đủ khôn ngoan. Nhỏ thì có thể gọi đại sứ Mỹ đến Bộ Ngoại Giao mắng cho một trận cho bõ ghét. Lớn thì cắt đứt quan hệ ngoại giao để dằn mặt chơi. Gì chứ Tông Tông Obámà sẽ cúi gập mình trước mặt Kaison Phomvihan để xin lỗi là cái chắc.
2- Việc Mỹ từ chối nhận những người tỵ nạn Hmong tại Lào. Những người Lào tỵ nạn phần lớn là sắc tộc Hmong. Trong thời chiến tranh Đông Dương, người Hmong được CIA tài trợ và huấn luyện để chống lại Pathet Lao và VGCS. Khi chiến tranh chấm dứt, người Mỹ đã cho hàng trăm ngàn người Hmong tỵ nạn. Còn lại một số nhỏ có mấy ngàn thôi, tại sao họ lại từ chối những người này. Việc trục xuất này có do bàn tay người Mỹ ngấm ngầm thúc đẩy không? Để làm gì? Bỏ lệnh truy tố tướng Vang Pao và việc đẩy người tỵ nạn Lào về nước có liên quan gì với nhau không? Có nằm trong một quỉ kế nào không?
3- Việc chính phủ Thái Lan quyết tâm trục xuất người Lào tỵ nạn về nước. Vấn đề tỵ nạn trên đất Thái đã xưa như trái đất. Có cả hàng trăm ngàn dân VN làm tổ ở miền Đông Bắc Thái thế hệ này qua thế hệ khác. Trong cuộc chiến Đông Dương, bọn này cung cấp cho Việt Minh nơi nương náu để hoành hành, nhưng các chính quyền Thái có phiền hà gì đâu. 4 ngàn người Hmong có đáng là bao. Mấy chục năm nay Thái Lan dung được, tại sao bây giờ lại quyết tâm xua đuổi họ?
Liên kết các sự kiện trên đây lại, ta có thể giải thích được vấn đề cả hai mặt nổi và chìm. Mặt nổi là tại sao một con người cương quyết và sắt đá như tướng Vang Pao phải đầu hàng. Mặt chìm, biết được kẻ đạo diễn tấn tuồng này là ai. Việc tướng Vang Pao trở về như trình bầy ở trên, chỉ là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng ít nhất nó biểu lộ một ý nghĩa nhân bản, tấm lòng hy sinh quên mình thật sự chứ không phải bịp bợm. Tuy nhiên tướng Vang Pao chỉ là diễn viên của một tấn tuồng mà ngưòi đạo diễn không ai khác hơn là nhân vật siêu kiếm khách Độc Cô Cầu Bại, tức Hoa Kỳ. Thử suy nghĩ mà xem, bình sinh thì tướng Vang Pao làm sao có thể thốt ra được câu: “We have to make a change right now, The government of Laos has tried to open the door… now is the time for reconciliation with Laos.” (Chúng ta phải thay đổi ngay lúc này, chính phủ Lào đã cố gắng mở cửa … bây giờ là lúc hòa giải với người Lào). Vậy thì ai đã nhét vào miệng ông những câu nói thiếu thành thật như thế?
Cũng nên nói qua về nhân vật Độc Cô Cầu Bại (ĐCCB) cho biết, và tại sao gọi Hoa Kỳ là siêu kiếm khách ĐCCB. Nhân vật ĐCCB là ai thì người đọc Kim Dung không ai mà không biết. Đó là một nhân vật tưởng tượng trong các tác phẩm của Kim Dung, nghĩa là chưa từng bao giờ xuất hiện thực trong tác phẩm, mà chỉ có tên được nhắc đến trong các truyện võ hiệp như Anh Hùng Xạ Điêu, Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc Đỉnh Ký. Theo truyền thuyết, ĐCCB là một tay cao thủ võ lâm giang hồ, sau khi sáng tạo ra môn Độc Cô Cửu Kiếm thì kiếm pháp của lão đã vươn tới bậc thượng thừa. Lão đánh bại tất cả các tay kiếm khách từ nam chí bắc, từ đông sang tây. Khi đã trở thành vô địch võ lâm trung nguyên rồi, lão đâm ra buồn bã vì không có đối thủ nào xứng đáng để so tài với lão. Lão cầu để bị đánh bại một lần thôi mà không được. Vì thế giang hồ đặt tên cho lão là ĐCCB. ĐCCB chán nản quá bèn quyết định mai danh ẩn tích và lãng du thiên nhai. Lão truyền thụ môn Độc Cô Cửu Kiếm mà lão đã khổ công luyện thành lại cho hậu nhân. Sau này, hai nhân vật hữu duyên học được kiếm pháp của lão là Lệnh Hồ Xung phái Hoa Sơn, và Thần Điệu Đại Hiệp Dương Hóa. Gọi Hoa Kỳ là siêu ĐCCB tất nhiên cũng có lý do của nó. Bọn VGCS trước đây thường gọi nước Mỹ là tên Sen Đầm Quốc Tế, nhưng thực ra không đúng hẳn, mà nên gọi là siêu ĐCCB mới sát với thực tế, vì như thế mới diễn tả đúng đựợc bản chất và cá tính của tư bản Mỹ. Nó là siêu kiếm khách vừa vì tài thao lược vô địch, vừa vì khả năng biến hóa khôn lường, và nhất là đặc điểm của kiếm pháp lại tuyệt đối vô luân. Kiếm đã rút ra khỏi vỏ thì bao nhiêu cái đầu rơi vẫn chỉ là trò tiêu khiển. Trong rất nhiều trường hợp, nó là người hay là quỉ nhập tràng thì chẳng ai xác định được. Lại nữa, còn phải nhìn vào lịch sử của Thế giới nhất là thời kỳ từ Thế Chiến Thứ Hai đến nay mới thấy Hoa Kỳ chẳng khác gì nhân vật ảo ĐCCB trong truyện của Kim Dung.
Trước đây, rõ ràng là Mỹ đã cố ý tạo ra một nước Nga CS thật hùng mạnh, cuối cùng ra chiêu giáng một cú knock out để chứng tỏ sức mạnh vô địch của mình. Trong cuộc so tài này, ĐCCB đã thi triển một loại kiếm pháp hoàn toàn mới lạ, không từng có trong bất cứ một kiếm phổ nào tù trước tới nay. Sự lạ lùng làm kinh ngạc giới võ lâm là khi đối thủ bị hạ, họ chẳng nhìn thấy một đường kiếm nào được vung ra. Rõ ràng là vô kiếm lẫn vô chiêu. Giới chính khách đương thời gọi đó là đòn “bất chiến tự nhiên thành”. Còn giang hồ võ hiệp gọi là Vô Chiêu. Nước Nga CS trong Đệ Nhị Thế Chiến chả là cái gì cả, chỉ được cái lớn xác, nhưng lạc hậu về tất cả mọi phương diện so với Tây Phương. Quân đội của Hitler tràn đến đâu thì Liên Sô tan rã đến đó. Đức Quốc Xã bại trận tại Nga vì thời tiết quá khắc nghiệt chứ không phải do Hồng Quân Liên Sô hùng mạnh. Trong Hội Nghị Potsdam, Clement Attlee, thủ tướng mới của Anh, và tân Tổng Thống Mỹ Truman đã nhường cho Stalin quá nhiều. Hai điều lợi thiết thực nhất mà đáng lẽ Stalin không đáng được hưởng, một là sự chia đôi nước Đức mà Liên Sô xí phần được một nửa, cùng với phần biên giới ảnh hưởng Liên Sô lấn về phía Tây quá nhiều. Hai là Liên Sô được hưởng khoản bồi thường hậu hĩ trên các phần đất bị Đức chiếm. Ngoài ra điều khoản triệt tiêu kỹ nghệ quốc phòng Đức của Hiệp Ước Potsdam còn làm cho Liên Sô yên tâm để củng cố và phát triển. Nước Mỹ như một kiếm khách tu luyện xong mới vừa xuống núi đã hạ đo ván được ngay hai địch thủ sừng sỏ nhất trong võ lâm lúc bấy giờ là Nhật và Đức. Do sự thành công dễ dàng đó, nên Hoa Kỳ mới thả cho Liên Sô tu luyện để mong được một lần nữa thử kiếm. Ý muốn trở thành độc cô cầu bại của Mỹ phát sinh ra từ đó. Dụng tâm của sức mạnh Hoa Kỳ là đi tìm bằng được, hoặc tìm không có thì tạo ra đối thủ ngang sức để tự chứng minh mình là vô địch. Phải là vô địch mới hiệu lệnh được quần hùng, tức là làm chủ được võ lâm. Liên Sô có sức mạnh nhưng cũng không đỡ nổi chiêu của Mỹ. Sau đó nước Mỹ càng dốc tâm cầu bại nên mới đánh thức con cọp Tầu dậy và biến nó thành đối thủ mới. Thật sự nếu muốn giết con cọp Tầu thì Hoa Kỳ dư sức giết nó năm 1953 trong chiến tranh Triều Tiên rồi. Mấy chục năm qua, Mỹ làm đủ cách hết sức vô lý để tăng cường nội lực và kiếm pháp cho Tầu. Rõ ràng lắm, chẳng hạn như Mỹ đuổi Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc, rước Tầu vào thay thế. Hoặc ngó lơ cho tình báo Tầu ăn cắp kỹ thuật nguyên tử của Mỹ như vụ Wen Ho Lee (*) và nhiều vụ khác nữa tương tự. Nhất là dưới thời Tông Tông Clinton, Mỹ chính thức cho phép xuất cảng qua Tầu loại máy supercomputer để giúp Tầu làm bom nguyên tử. Ron Brown, Bộ Trưởng Thương Mại Mỹ, ký bán cho Tầu trang thiết bị quân sự thuộc loại quốc cấm dùng để phóng hỏa tiễn, nhưng lại qua mặt luật pháp bằng cách reclassify thành hàng dân sự. Nước Mỹ dễ dãi đến độ vô lý cho Tầu giao dịch làm ăn với Mỹ để mặc sức làm giầu v.v. Nhờ sự nâng đỡ và tiếp sức của Mỹ, trong một thời gian rất ngắn, nước Tầu đã trở thành một cao thủ nổi tiếng trong giới võ lâm.
Khi Tầu đã là đối thủ ngang ngửa rồi thì dĩ nhiên ĐCCB muốn tính đến chuyện so kiếm. Thế trận của Mỹ đang được chuẩn bị. Vấn đề Vang Pao chịu nhẫn nhịn trở về Lào là một trong các chỉ dấu cho thấy vấn đề. Nước Mỹ đang cố gắng lôi kéo ba quốc gia Việt, Miên, Lào về phía mình trong chiến lược bao vây Tầu. Một việc Mỹ cần làm để mua lòng các nước này là diệt các thế lực chống đối của mỗi nước. Miên coi như đã yên bề. Về phần Việt Nam thì cái công cụ tiêu diệt đối kháng là bọn Việt Tân và đám dân chủ cuội trong nước. Công việc này đang từng bước đạt kết quả. Còn lại Lào, Mỹ dùng người Hmong tỵ nạn tại Thái Lan để áp lực Vang Pao buông súng là chuyện ai cũng thấy được. Chưa biết ĐCCB sẽ tung ra chiêu thức gì để hạ đối thủ lần này, chắc hẳn phải là độc đáo lắm. Mặc dù chưa thấy kiếm khách xuất chiêu nhưng quần hùng đã có kẻ phải xếp giáp trước rồi. Kết cuộc chưa biết ra sao, nhưng đời mà, chưa chừng “cao nhân tất hữu cao nhân trị”. Nếu ĐCCB mà “được” bại thật như đã từng mong muốn thì dân ta nhất định ai cũng trở thành ca sĩ hát nhạc “Trịnh” hết. Đố bạn đọc ca khúc đó là gì?
Điểm thắc mắc tâm can trong giới võ lâm là nếu ĐCCB vẫn là người thắng cuộc trong trận tranh hùng với Tầu thì trong võ lâm kiếm khách nào sẽ là địch thủ kế tiếp, Al Qaeda chăng hay là ai khác? Bởi vì là cho đến bao giờ trong giang hồ không còn một đối thủ tương xứng nào nữa thì ĐCCB mới yên tâm lên ngôi bá chủ võ lâm để được quần hùng suy tôn, và mới qui ẩn để lãng tích thiên nhai như nhân vật ảo trong tiểu thuyết của Kim Dung.
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
(*) Wen Ho Lee, khoa học gia làm việc cho cơ quan NASA, một công dân Hoa Kỳ sinh trưởng tại Đài Loan, bị tình nghi có trách nhiệm trong việc tiết lộ (leak) bí mật nguyên tử cho Trung cộng. Nhưng vì thiếu bằng chứng, chính quyền Hoa Kỳ không cáo buộc ông tội do thám, thay vào đó chỉ bắt giữ ông về tội xử lý sai (mishandle) các thông tin mật.