Tuesday, February 2, 2010

đông lan -Triết Lý Việt Lịch

Triết Lý Việt Lịch
đông lan

Bản chất hệ thống lịch pháp bao gồm những cách tính về quãng cách thời gian của một năm, khởi điểm của một năm. Cả hai yếu tố đi liền với những thiên thể được dùng làm phương tiện để đo lường. Nếu dùng sự chuyển động biểu kiến của mặt trời là dương lịch, nếu dùng sự tuần hoàn của mặt trăng thì là âm lịch. Động cơ thúc đẩy việc làm lịch có thể thuộc tôn giáo với mục tiêu qui định các ngày lễ như ở Ai Cập hay La Mã cổ đại, nên lịch pháp thường do các tư tế điều khiển. Hoặc do những nhu cầu thực tiễn của đời sống như trông tỉa, gieo gặt, hoặc để qui định giờ trong việc canh thức tuần phòng. Lý do thứ ba của động cơ thúc đẩy việc làm lịch có tính cách triết lý nhân sinh: Con người chiêm ngắm các hiện tượng thiên thể, sự vận hành của trăng, sao, mặt trời, rồi rung cảm sâu xa sự biến động có chu kỳ tự nhiên ấy, để rồi rút ra từ lòng mình những nguyên tắc sống còn, thâu nhập thiên nhiên làm ích dụng trong cuộc tồn sinh của vòng ngoài hiện tượng lẫn vòng trong bản thể... Đó là lý do khi Thánh Vương Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, ngài lập lại ý nghĩa của lịch số “Thiên chi lịch số tại nhĩ cung”. Cái Đạo Lý của lịch số nằm ngay trong tại trung cung của lòng, trung cung đó là Tâm. Chỉ với một ý thức Nhân Chủ cao độ của Việt Nho mới truyền đạt câu định nghĩa về lịch số sâu xa thần diệu như thế. Trong cái cảm thức về sự vận hành của các vì thiên thể, con người là chủ nhân để chiêm ngắm, sắp xếp, điều hòa cuộc sống. Cái tâm thức giao cảm cùng vũ trụ ấy là tâm thức nhân chủ. Như vậy Triết Lý của Việt Lịch là NHÂN CHỦNỘI TÂM, không như những ý thức ở đợt lệ thuộc, lý trí và duy vật.

Ta thấy lịch của ta thường đưa các câu ca dao, tục ngữ, châm ngôn xen vào lịch, đó chính là tinh thần đưa ý thức nhân chủ và nội tâm vào diễn hành của thời gian. Lâu ngày con người quên đi mất ý nghĩa đó, ý nghĩa quay trở về thẩm cung lòng mình, ý nghĩa triết lý của lịch. Đó là một mất mát lớn lao, khi ta quên đi rất nhiều yếu tố tâm linh trong đời sống. Đó là lý do cần có cuộc phục hoạt những nguồn năng lực tâm linh đã từ rất lâu bị mất đường về. Cho nên lịch chỉ còn là thời khóa biểu cho các công việc có tính chất vật bản: ăn uống, làm lụng...Trong khi ý nghĩa cuối cùng của lịch là Đường Về Tính Thể: Tham dự cùng vận hành của thiên nhiên, Thông giao cùng tạo vật, Hòa hợp với ánh sáng, trăng sao . . .

Bản văn cổ đại nhất về Việt Lịch là Nghiêu Điển, mở đầu Kinh Thư. Đây là một kết quả cuối cùng của một sự suy tư tìm kiếm đã kéo dài không biết bao nhiêu thế kỷ từ trước. Bản văn then chốt ấy rút gọn như sau:

Nhật trung tinh Điểu dĩ ấn Trung-Xuân.

Nhật vĩnh tinh Hỏa dĩ chính Trung-Hạ.

Dạ trung tinh Hư dĩ chính Trung-Thu.

Dạ vĩnh tinh Mão dĩ chính Trung-Đông.

Tuế tam bách lục thập lục nhật.

Dĩ Nhuận nguyệt chính tứ thời.

= “ Khi ngày dài bằng đêm thì lấy sao Điểu để ấn định Xuân –Phân.

Khi ngày dài thì lấy sao Hỏa để định Hạ Chí.

Khi đêm ngày dài bằng nhau thì lấy sao Hư để định Trung –Thu.

Khi đêm dài thì lấy sao Mão để định Đông Chí.

Như thế một năm có 366 ngày.

Dùng tháng nhuận để điểu chỉnh bốn mùa cho hợp thời tiết”.

Giai đoạn này là thời đại sáng tạo mà đã đạt độ chính xác nhất về quãng dài của một năm, đưa ra khởi điểm một năm hợp lý nhất, và biểu lộ cách nhân bản tối đa.

Sau này mỗi thời vua lên ngôi đều coi lich pháp là việc quan trọng bậc nhất, đều cải chế lịch cho sát với tự nhiên. Quách Thủ Kính đời Tống so sánh trước sau và xác định quãng năm là 365, 5 giờ 49’ 12’’.

Theo thiên văn hiện đại một năm là 365, 5 giờ 48’ 6/10. Như vậy sự cách biệt nhau giữa Việt Lịch và Dương Lịch chỉ có trong vòng một phút.

Có 3 Loại lịch đang lưu hành:

1- Âm Lịch

2- Dương Lịch

3-Âm Dương Lịch

1- Âm Lịch

Âm lịch là lịch căn cứ vào sự tuần hoàn của mặt trăng. Mặt trăng xoay quanh trái đất, cứ một chu kỳ là một tháng, dài 29 ngày, 12 giờ, 44 phút, một năm âm lịch có 354 ngày ít hơn năm theo dương lịch là 11 ngày. Cứ ba năm thì âm lịch sẽ nhanh hơn dương lịch một tháng và 36 năm của âm lịch sẽ nhanh hơn dương lịch một năm. Cho nên đầu năm của âm lịch chạy khắp các mùa trong năm của dương lịch.

Người Hồi Giáo trên thế giới đang dùng loại Âm Lịch này. Ngày của người Hồi Giáo khởi đầu từ lúc mặt trời lặn khoảng lúc 6 giờ chiều). Tháng của người Hồi Giáo là lúc bắt đầu khi họ nhìn thấy trăng lưỡi liềm lên, sau khi mặt trời lặn. Năm của Hồi Giáo như đã nói ở trên chỉ có 354 ngày.

2- Dương Lịch

Dương lịch, ngược lại với Âm lịch, căn cứ vào sự quan sát mặt trời để quy định thời gian cho năm, rồi từ năm tính ra tháng, từ tháng tính ra ngày.

Dương Lịch là y cứ vào vòng quay của địa cầu chung quanh mặt trời mà ấn định mỗi năm có 365 ngày và mỗi chu kỳ 4 năm lại có một năm 366 ngày (tháng hai 29 ngày). Dương lịch cũng căn cứ vào vị trí của trái đất với mặt trời và độ nghiêng của trục địa cầu với các tia mặt trời mà xác định mùa.

Trái đất di chuyển quanh mặt trời với vận tốc khoảng 29.77 km/giây, trên một quỹ đạo hình bầu dục chiều dài khoảng 939.500.000km, mà mặt trời là trung tâm.

Vì trục trái đất nghiêng chừng 66 độ 33’ đối với mặt phẳng quỹ đạo của nó, nên mặt phẳng này cắt mặt trời theo một đường tròn lớn nghiêng khoảng 23 độ 27’ đối với thiên xích đạo. Nếu ta đứng từ trái đất nhìn lên bầu trời, ta tưởng như mặt trời chuyển động chung quanh trái đất theo một đường cố định hàng năm. Đường này gọi là hoàng đạo.

3- Âm - Dương Lịch

Là loại lịch căn cứ vào cả vòng quay của mặt trăng lẫn mặt trời. Tây phương dùng mặt trời theo hàng ngang tức lúc mặt trời lặn, còn Đông phương dùng mặt trời hàng dọc. Phương pháp là căn cứ trên những vòm sao chung quanh bắc cực, tính từ sao Bắc Đẩu trở ra, rồi chia ra 4 cung, mỗi cung tương ứng với một vì sao làm chủ, trong Nghiêu Điển là: Điểu, Hỏa, Hư, Mão đi với 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, còn ở giữa là trung cung dành cho sao Bắc Đẩu, lấy chuỗi sao Đại Hùng làm như kim đồng hồ để tính giờ. Rồi từ 4 cung đó mở rộng ra cả năm lấy 4 cung làm đích điểm cho 4 mùa. Hai mùa Đông Hạ theo mặt trời, hai mùa Xuân Thu theo hệ thống mặt trăng:

Đông Hạ chí nhật

Xuân Thu chí nguyệt

Dĩ biệt tứ thời chi tự

Vua Thuấn đã cho làm một bầu trời nhân tạo có các vòng hoàng đạo và xích đạo với các tinh tú bằng châu ngọc nạm vào các vị trí cân xứng có trục xoay bầu tròn để nhận ra sự chuyển động của các tinh tú trên vòm trời. Trong phương pháp này, từ sao Bắc Đẩu kéo dọc xuống, sẽ xác định được 28 ngôi sao cố định hàng ngày cùng vòm trời xoay quanh sao Bắc Đẩu, gọi là “ nhị thập bát tú” (1), do đó thành lập hệ thống 28 sao tinh tế và chính xác hơn hệ thống hàng ngang bị hạn cục vào những sao ở gần chỗ mặt trời lặn. Hệ thống hàng dọc này là căn bản của nhị thập bát tú, có một không hai trong thiên văn cổ đại, không những qui định được quãng năm, tháng mà còn cả quãng tuần và giờ. Đã thế lối xếp đặt còn bao hàm được ý nghĩa triết lý, mỗi mùa có 7 sao thì tháng đầu 2 sao, tháng giữa 3, và tháng cuối 2 sao. Đó là phương pháp âm-dương lịch mà độ sai chạy so với thiên văn học ngày nay chỉ chênh lệch một phút như đời Tống, Quách Thủ Kính đã so sánh.Việt Lịch điều hòa Nhật -Nguyệt -Tinh để gây sự hòa hợp qua sự biểu lộ trăng sao: làm thế nào ngày rằm thì trăng tròn, mùa thì đi đúng tiết… Nhờ Hòa hợp nên Nhật Nguyệt tinh thần (thần là một quãng của vòng trời chia 12 như hoàng đạo) đều được giữ sắc thái riêng với những chức vụ riêng: Nhật coi vòng năm, Nguyệt coi vòng tháng, Tinh thần coi vòng giờ. Dương Lịch chỉ căn cứ trên mặt trời biểu lộ tính một chiều, đàn áp ngay trên cả trăng sao. Chỉ với quan niệm đồng nhất thể của Minh Triết Việt Nho, con người mới được an hưởng với những tiết nhịp vận chuyển của cả mặt trời lẫn trăng sao với những ngày hội hè đình đám của tứ thời xuân hạ thu đông, bát tiết, lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông, rồi đông chí, hạ chí, xuân phân, thu phân… tất cả là 24 tiết nhịp Giao Hòa với chữ Thời của nền Việt Lịch Đông Phương. Ta dùng từ Tết, chính là tiết, tiết nhịp hòa âm thống nhất Trời-Đất-Người thành Nhất Thể trong nền Đạo Lý của Việt Lịch.

__________________________________________________

(1) Chú thích

1-Hai mươi tám sao (tú) chia ra 4 chòm, 7 sao một chòm:

Chòm Thanh Long cho mùa Xuân, phía Đông: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm,Vi, Cơ.

Chòm Chu Tước cho mùa Hạ, phía Nam : Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn..

Chòm Bạch Hổ cho mùa Thu, phía Tây: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm

Chòm Huyền Võ cho mùa Đông, phía Bắc: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích .

Một điểm nền tảng khác trong Việt Lịch là giá trị của Nhân Chủ Tính trong vòng con giáp. Vòng con giáp là vòng 60 năm mà nhiều nơi xưa đã dùng để ghi niên kỷ, nó căn cứ trên đường đi của sao Mộc Tinh, cứ 60 năm thì đi hết một vòng chung quanh mặt trời. Cách tính này đã xuất hiện rất sớm bên Sumer nhưng nó đã chết dần vì bất tiện vì chỉ có 60 năm trong lúc lịch sử gồm nhiều ngàn năm. Cho đến khi sự công nhận năm đấng Christ ra đời làm kỷ nguyên trở nên phổ cập thì cách tính theo 60 năm bị chôn táng hẳn, ngoại trừ bên Viễn Đông vì ít giao thiệp với Tây Âu nên mới công nhận Công Nguyên hơn trăm năm nay. Thế là từ đó, vòng 60 năm chỉ còn là vấn đề khảo cổ.

Nhưng bên Viễn Đông, tuy công nhận công lịch, nhưng trong đời sống vẫn còn nhắc đến tên của năm theo con giáp: Năm ngoái là năm Kỷ Sửu (2009), năm nay là Canh Dần (2010). Ta thử tìm hiểu ý nghĩa triết học của cách gọi năm theo vòng con giáp này. Vòng con giáp gồm cả hai vòng:

Vòng trong là vòng thiên can, gồm:

1. Giáp

2. Ất

3. Bính

4.Đinh

5.Mậu

6. Kỷ

7. Canh

8. Tân

9. Nhâm

10. Quí

Vòng ngoài là vòng địa chi 12 con vật là:

1.Tí : Chuột

2.Sửu : Trâu

3.Dần : Hùm

4.Mão : Mèo

5.Thìn : Rồng

6. Tỵ: Rắn

7. Ngọ: Ngựa

8. Mùi: Dê

9. Thân: Khỉ

10. Dậu: Gà

11. Tuất: Chó

12: Hợi: Heo

Hình trên: Vòng Thiên Can & Điạ Chi

Hình trên: Mười Hai Con Vật Điạ Chi

Như Kinh Dịch đã nói trong Hệ từ:

Tại Thiên thành tượng

Tại Địa thành hình.

Thiên can là chỉ cái gì uyên nguyên lung linh trừu tượng: Giáp, Ất, Bính, Đinh..... thật ra chẳng có rõ rệt điều gì cả. Nơi đợt trừu tượng mặc hình tích cụ thể, ta mới có được 12 con vật rõ ràng cho địa chi. Như thế, hai vòng thiên can và địa chi chính là hai vòng tượng và hình giao nhau làm nên ý nghĩa của thiên địa chi giao trong cách gọi tên năm Ất Mùi, Giáp Thân… Đó là TRIẾT LÝ,SONG TRÙNG, LƯỠNG HỢP mà ta thấp thoáng thấy đâu đây NGUYÊN LÝ TIÊN RỒNG của Việt Tộc.

Đối chiếu với bảng 12 con giáp của Tây Âu là:

1. Miên Dương: The Ram

2. Kim Ngưu: The Bull

3. Song Tử: The Twins

4. Bắc giải: The Crab

5. Sư Tử: The Lion

6. Xử Nữ: The Virgin

7. Thiên Xứng: The Balance

8.Thiên Yết: The Scorpion

9. Nhân mã: The Archer

10. Mai Yết (dê): The Goat

11. Bảo Bình: The Water Bearer

12. Song Ngư: The Fishes

Bảng Hoàng Đạo

Bảng Hoàng Đạo thì xa lạ và trừu tượng, và toàn là thú rừng, chỉ trừ có dê (mai yết) là loài thú đã được thuần hóa. Song tử và xử nữ là người nhưng địa vị con người trong vòng hoàng đạo quá nhỏ nhoi, chỉ chiếm có 2 cung trong số 12. Đấy chính là hình ảnh của triết học cổ điển Tây Phương: thiên về trừu tượng, như vấn đề hữu thể, sự hữu của ý niệm, những sự phân biệt giữa tồn hữu (existence) và bản tính (essence), toàn là những đề tài nhức đầu xa xôi làm cho người học triết xong cảm thấy khô cạn cả tâm hồn. Thêm nữa, chính vì triết học quá xa rời đời sống, nên địa vị con người bị bỏ rơi, trong bảng hoàng đạo thì là con người bị vật hóa hoàn toàn với các tên gọi của những con vật xa lạ.

Ngược hẳn lại với triết lý duy lý, duy niệm ấy, với cách gọi năm bằng hai vòng thiên can và địa chi của Việt Lịch, TRIẾT LÝ NHÂN CHỦ đã trọn vẹn thẩm thấu nơi đây: địa chi chỉ 12 con vật thì những con thú rừng được chọn ít, đa số là những con vật nhỏ bé và thân cận với con người, đã được con người thuần hóa. Hùm là con thú rừng mạnh thì lại bị con người sai sử, cho làm đại biểu cho sự hùng dũng của con người, hơn cả trời và đất. Trời bao la cao cả thì bị con người cho xuống địa vị con vật nhỏ nhất:

Thiên khai ư tí

Địa tịch ư sửu

Nhân sinh ư dần.

Thật thế, chỉ với với tâm thức NHÂN CHỦ nên con người dùng hình ảnh con thú mạnh mẽ nhất để chỉ định vai trò của mình trong hành trình tham dự vào khả năng điều hoà thiên địa, chuyển giao dòng sống triền miên “ Nhân Sinh Như Dần” như câu chuyện khai thiên lập địa của Huyền Thoại Cổ Việt .

Trong cảnh Thái Hoang ban sơ khi trời đất chưa phân biệt thì đã có ông Bàn Cổ xuất hiện trước rồi. Việc làm trước hết của ông là sinh ra âm dương. Âm dương là tiết điệu uyên nguyên của vạn vật, có tính quân bình, mà con người phải có nhiệm vụ nắm vững hai đầu mối ấy, định vị cho cả hai được chính trung, vì con người sinh ra trước. Sách nói một ngày ông Bàn Cổ biến đổi chín lần, mỗi lần ông lớn lên mười thước thì đất cũng dày bấy nhiêu, trời cũng cao thêm bấy nhiêu. Ông Bàn Cổ sống 18 ngàn năm nên đất cực dầy, trời cực cao. Bấy giờ ông khóc, nước mắt ông làm ra hai sông Hoàng Hà và Dương Tử. Hơi thở thành gió, ông đưa mắt xem xét chung quanh thành sấm chớp, khi ông vui tính thì trời đẹp, lúc ông nổi giận thì trời tối lại, mây mù phủ kín. Khi ông chết xác ông rã ra thành từng mảnh làm thành năm dãy núi trong thiên hạ. Hai con mắt làm nên mặt trời và mặt trăng. Mỡ chảy ra hóa thành biển cả sông ngòi, tóc đâm rễ vào đất mọc lên thảo mộc... Sâu bọ trên thân xác ông làm nên loài người.

Hỗn mang chi sơ

Vị phân thiên địa

Bàn Cổ thủ xuất

Thủy phán âm dương

Thiên khai ư tí

Địa tịch ư sửu

Nhân sinh ư dần...

Câu chuyện ông Bàn Cổ là khởi đoạn của Triết lý Đông phương. Ông Bàn Cổ chính là con người Đại Ngã Tâm Linh. Thưở hỗn mang chưa có gì, chính sự xuất hiện của con người với tất cả cái ý thức của nó, vũ trụ mới được hiện hình. Không có ta, vũ trụ không là gì cả. Không hoa xuân, nắng hạ, không trời đất, nhật nguyệt, tinh thần, làm gì có những chòm sao Thanh Long, Chu Tước... Do đó con người Nhân Chủ Bàn Cổ xuất hiện trước, rồi mới phân định âm dương, truy nhận vũ trụ. Cho nên, thiên nhỏ bé loắt choắt như chuột, địa kềnh càng to lớn như trâu, nhưng ông Bàn Cổ, con người với chữ Nhân xuất hiện như là vua, là chúa tể, mạnh mẽ và quyền uy như chúa sơn lâm. Ý thức làm chủ vạn vật như là ý thức ung dung của con cọp đi trong cánh rừng già. Giang sơn này của ta. Vũ trụ này là ta truy nhận được mà có. Ta chính danh định phận cho vạn vật. Ta chiêm ngắm trời đất vận hành mà rút ra những nguyên tắc tự đáy lòng. Cái mạnh của ta là cái ý thức mạnh mẽ hùng dũng của con người kết hợp, tưụ thành từ linh thiêng của vũ trụ vạn vật. Người là linh đức của trời đất. Nhân giả kỳ thiên địa chi đức.

Chúng ta đã bước sang một không gian khác. Không còn cảnh nô lệ sợ hãi các thần minh, con người nhân chủ trong câu chuyện Bàn Cổ đã nói lên giá trị cao cả của mình giữa trời và đất.

Trọn vẹn hơn nữa, nơi quê hương của Nhân Chủ, ta thấy địa vị con người còn cao quí, thần tiên bay bổng vào cõi vô biên, linh diệu biến hóa như Người Việt Là Con Rồng Cháu Tiên của Huyền Sử Việt. Con người đã có những chấm phá thanh thoát nhẹ nhàng với đôi cánh Tiên nương, con người đã kinh lịch biến hóa như Rồng thiêng uốn khúc. Nét-gấp-đôi đã Tận Thiện và Tận mỹ ở Rồng-Tiên. Nhân Chủ tính đã trọn vẹn khai mở nơi trang đầu Huyền Sử Việt. Xin hãy thưởng ngoạn, tiếp cận, chiêm ngưỡng Kinh Tiên Rồng như một Khai Ngộ đường về Tính Thể Viên Dung của Đóa Hoa An Vi Việt Đạo.

Như ta thấy triết lý Tây phương bắt đầu với nền tảng của thần thoại, lệ thuộc thần minh, sau lại ngả sang nhân bản duy lý, duy vật... Thật ra họ chạy từ hết cực đoan này sang một cực đoan khác: hết duy linh thì duy vật. Hình như chạy từ một cực đoan này sang một cực đoan khác dễ dàng hơn là dừng lại nơi mối quân bình. Chữ quân bình nghe tưởng như quá thông thường, giản dị nhưng trên thực tế, nó lại khó giữ hơn là sa vào bất cập hay thái quá. Thảo nào Minh Triết Việt Nho cứ chỉ truyền đời cho nhau cái Đạo Trung, Doãn chấp kỳ Trung! Doãn chấp quyết Trung!..

Nếu liên hệ được việc thờ thần minh với chế độ nô lệ khốn cùng bên Âu Tây, việc tôn thờ Người đưa đến một xã hội bình quân không có giai cấp bên Viễn Đông, chúng ta mới thấy ý nghĩa thâm trầm sâu sắc và hiệu nghiệm trong từng khía cạnh của văn hóa như nền Triết Lý Việt Lịch trong mối liên hệ nằm ngầm với Cơ Cấu Triết Lý Nhân Chủ của NÉT - GẤP- ĐÔI - TIÊN- RỒNG .

Đông Lan