Sunday, January 31, 2010

Trần Quốc Kháng- Tiếc Thương! Cuộc Đời Và Chuyện Tình Alpha Đỏ (Phần 1)

Tiếc Thương! Cuộc Đời

Và Chuyện

Tình Alpha Đỏ

(Phần 1)

Trần Quốc Kháng

Download this file

Để tưởng nhớ Cựu Đại Uý Trương Đình Hà, xuất thân Khoá 20 SQHD Trường Võ Bị Quốc Gia VN, đã an giấc ngàn thu ngày 16-1-2010, xin gởi đến quý vị bài ‘Cuộc Đời Và Chuyện Tình Alpha Đỏ. Nhờ quý vị cho phổ biến trên diễn đàn.

Câu chuyện ‘Alpha Đỏ’ này được viết từ hồi tháng 9 năm 2003 — khi ông Hà còn điều trị bệnh tâm thần ở Crestwood Manor, San Jose. Chúng tôi muốn thuật lại cuộc sống thăng trầm theo dòng lịch sử, có phần bi thảm, nhưng vẫn đậm nét hào hùng của ông Trương Đình Hà. Trong đó, có phần chuyện tình của ông và bà Nguyễn Thị Lệ Nga được ghi lại theo lời thuật lại của ông bà Nguyễn Phú Hữu (Khoá 20 VB) làm nhiều người liên tưởng đến ‘Đóa Hoa Sen’ — loài hoa ‘cao quý’, luôn luôn vươn lên cao, thường thấy nở trên ao bùn hôi thối.

Năm 2003, ông Hà đang bị ‘mất trí’. Khi đến thăm ông, ai mang nặng tình người đều cảm thấy thương xót cho thân phận người xấu số. Nhất là lúc nhìn ‘VẾT TÍCH tàn ác, bất nhân’ — do VC gây ra trong trại ngục tù — vẫn còn hiện rõ trên hai cổ chân ông Hà, quý vị sẽ cảm thấy rùng mình, ghê tởm trước hành động dã man của bọn ‘hình người dạ thú’.

Vì trước đây, ông Hà bị VC hành hạ rất dã man trong trại giam — ngụy danh là trại ‘cải tạo’. Chúng dùng giây kẽm gai, trói hai cổ chân ông. Mỗi lần ông Hà nhúc nhích thì mấy đầu giây kẽm gai, ‘cưa sâu’ vào hai cổ chân ông.

Cuối cùng, thương tích còn lại là những vết sẹo nối tiếp nhau, vòng quanh hai cổ chân ông, có chỗ sâu lõm vào bên trong ống xương, khoảng nửa đốt ngón tay!

Khi ghi lại ‘Cuộc Đời Và Chuyện Tình Alpha Đỏ’, chúng tôi không e ngại dư luận hoài nghi là chuyện ‘thêu dệt’ mà chỉ e ngại, khả năng của mình và giấy bút có giới hạn — không thể nào diễn tả được hết: Ý chí đấu tranh kiên cường, tinh thần bất khuất và chuyện tình cao đẹp như ‘Đóa Hoa Sen’ nở trong ‘vùng sình lầy XHCN’.

Mặc dù, viết theo đúng lời thuật lại của ông bà Nguyễn Phú Hữu, nhưng câu chuyện ‘truyền khẩu’ này, có thể bị ‘tam sao thất bản’ đôi chút? Nếu quý vị nào nhận thấy, có điểm nào sai sót, xin vui lòng cho biết. Đa tạ.

Trần Quốc Kháng

¨

Chuyện Đi Thăm Bệnh

Nhân Tâm Thần

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 9.2.2002, ông bà Nguyễn Phú Hữu dẫn chúng tôi đến thăm ông Hà ở Crestwood Manor. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi gặp ông Hà mà là lần đầu tiên chúng tôi đến ‘Trung Tâm An Dưỡng Bệnh Nhân Tâm Thần’ thăm bệnh nhân. Hôm ấy, chắc ông bà Hữu cũng có tâm trạng tương tự như chúng tôi. Vì chỉ còn 3 ngày nữa là năm Nhâm Ngọ sẽ đến:

Cảnh chợ Tết trong các khu thương xá VN ở San Jose, với bánh chưng, kẹo mứt bầy bán bên những cành Đào cùng những chậu hoa Cúc, làm kẻ tha hương như chúng tôi chạnh lòng, nhớ đến những ngày Tết ở VN năm xưa. Đậm nét hơn cả là những kỷ niệm trong ngày Tết năm Ất Tỵ 1965, lần đầu tiên các SVSQ Khóa 21 đi dạo phố ở xứ hoa Anh Đào Đà Lạt.

Hơn 37 năm trời đã trôi qua. Nhưng tại sao kỷ niệm ấy lại cứ đeo đuổi kẻ tha hương đến tận bây giờ? Xin thưa: Thời kỳ SVSQ là giai đoạn đầu, thời kỳ đẹp nhất trong đời sống Quân Ngũ, tương tự như ‘mối tình đầu’ trong chuyện yêu đương.

Thật vậy. Trong thời kỳ ‘vàng son’ ấy thì Quân Lực VNCH nói chung và Tập Thể VB cùng các SVSQ Khóa 21 nói riêng, đều có ‘Mẫu Số Chung’: Cùng lập trường Quốc Gia Dân Tộc; cùng chung ý chí đấu tranh — cầm súng ngăn chặn ách nô lệ Mác-Lênin lan tràn vào miền Nam. Nhưng rất tiếc, thời kỳ ‘vàng son’ ấy không còn!

Càng hồi tưởng về quá khứ, chúng tôi càng cảm thấy ngậm ngùi khi gặp lại ông Trương Đình Hà, mẫu người hăng say trên chiến trận, nghiêm minh với thuộc cấp, chí tình với bạn hữu, bất khuất trong ngục tù — đích thực là cựu SVSQ ‘Võ Bị Truyền Thống’ điển hình.

Đặc biệt, ông lại có mối tình cao đẹp. Nhưng đáng tiếc, tất cả bị cuốn theo vận nước suy đồi. Đến nay, ông phải sống ‘đơn độc’ trong ‘Trung Tâm An Dưỡng Bệnh Nhân Tâm Thần’ Crestwood Manor.

Muốn vào bên trong Crestwood Manor, chúng tôi phải đi qua 2 lần cửa canh gác. Lần nào cũng phải nêu rõ lý do và tên thân nhân thì nhân viên an ninh mới chấp thuận mở cửa. ‘Trung Tâm An Dưỡng’ này có 3 ‘stations’ mà ông Hà thuộc về ‘station 2’. Cứ hai bệnh nhân sống chung một phòng. Trong đó, mỗi người đều có tủ riêng để đựng quần áo cùng những vật liệu khác. Ngày cũng như đêm, Crestwood Manor đều có ‘giám thị’ canh gác, đề phòng bệnh nhân ‘nổi cơn điên’ phá phách hoặc làm chuyện phạm pháp khác.

Chính ông Hà, hồi mới sang Mỹ tạm cư ở Missouri, đã có lần làm khu appartment sém cháy. Chẳng hiểu sao, người bảo lãnh của ông lại không được thông báo về chuyện ông mắc bệnh tâm thần? Trước khi đi Hoa Kỳ, trong buổi phỏng vấn của phái đoàn Mỹ ở VN, ông Hà đã cho biết ông mắc bệnh tâm thần, nhiều khi ‘nổi cơn điên’. Người Mỹ đại diện đã quả quyết với ông là khi sang Mỹ, cuộc sống của ông được chăm sóc từ A đến Z.

Tuy nhiên, khi tạm cư ở Missouri thì ông Hà ở một mình trong appartment, không có người chăm sóc — đề phòng khi ông ‘nổi cơn điên’. Vì vậy, khi hút thuốc, ông đã vùi điếu thuốc hút đang cháy dưới chiếc nệm, khiến căn phòng bốc khói mịt mờ. May mà có người phát giác kịp thời và dập tắt ngọn lửa. Sau đó, người bảo trợ mới xem giấy tờ của ông Hà thì tìm thấy số điện thoại của ông Nguyễn Phú Hữu.

Nhờ vậy, ông Hà đã được ông Nguyễn Thanh Đức đại diện K20 — đã hết lòng với bạn hữu — bay sang Missouri đón về San Jose và tạm trú ở nhà ông bà Hữu. Từ hồi đó đến nay, ông Hà vẫn được các chiến hữu có thiện tâm, như hai ông Phạm Hưng Long và Trần Hữu Bảo K20, thường đến Crestwood Manor thăm hỏi. Hy vọng, khi được bạn hữu chăm sóc và an ủi, tâm trí ông Hà dần dần sẽ bình phục.

Trở lại chuyện đi thăm ông Hà hôm ấy, sau khi ông Hữu làm xong thủ tục bảo lãnh cho bệnh nhân ‘xuất trại’ thì trên máy vi âm của Crestwood Manor vang lên tiếng gọi ông Hà. Chúng tôi không ngờ, chỉ trong vòng vài ba phút thì ông Hà, quần áo xốc xếch, chân đi khập khiễng, không giầy không vớ, bước tới văn phòng gặp chúng tôi. Ông Hữu mỉm cười bảo ông Hà:

- Về phòng, thay quần áo, đi chơi với tụi tao.

Ánh mắt ông Hà ngơ ngác, nhìn vợ chồng ông Hũu và chúng tôi rồi nói:

- Đi thì đi.

Chúng tôi tiến lại gần, ‘chào tay’ và hỏi ông Hà:

- Niên Trưỏng còn nhớ tôi không?

- Không.

Ông Hà cau mày, trông như đang cố gắng, moi trí nhớ, xem chúng tôi là ai?

- Ờ nhớ rồi, hôm trước đến nhà anh ăn phở.

Ông Hữu mừng rỡ:

- Đó, có trí nhớ, nhớ được rồi đó.

Quả thật, đó là điều đáng mừng. Trong mấy năm gần đây, bệnh tình của ông Hà có phần thuyên giảm. Hiện thời, ông có thể nhớ những điểm chính yếu trong quân ngũ, nhưng những chuyện hàng ngày — như làm gì, tiếp xúc với ai – thì ít khi ông nhớ được.

Ông Hữu cho biết, trên đầu và trên mặt ông Hà trước đây, có 4 nốt ruồi to như những hột cà-phê. Một nốt nằm trên cánh mũi trái. Theo sách tướng số, ‘những người như vậy thì thể nào cũng mắc bệnh tâm thần’. Đây là lý do, cách đây mấy năm, ông Hữu đã dẫn ông Hà đến phòng mạch, nhờ bác sĩ An cắt bỏ 4 nối ruồi ấy. Ông Hữu hy vọng, nhờ vậy tâm trí của ông Hà dần dần sẽ được phục hồi?

Sau khi dẫn chúng tôi đến phòng của ông Hà thì ông ‘giám thị’ ở Crestwood Manor, đi đến khu đổ rác để tìm kiếm đôi giầy. Vì ở đây, ai cũng biết ông Hà có ‘tật’, mỗi khi cởi giầy dép ra, mới cũ bất kể, đều đem liệng vào thùng rác! Chúng tôi đứng bên cạnh ông Hà, vừa quan sát căn phòng, vừa hỏi chuyện để thử xem tình trạng tâm trí của ông ra sao.

- Anh Hà ơi! Vợ anh tên là gì?

- Nguyễn Thị Lệ Nga.

- Bà ấy ở đâu bây giờ? Sao anh lại ở một mình?

- Vợ tôi chết rồi.

Trong lúc ấy, người giám thị tìm thấy đôi giầy của ông Hà thì vội vàng đem vào phòng. Ông Hữu vừa đi giầy cho ông Hà, vừa hỏi chơi:

- Tao thương mày, tao cột giây giày cho mày. Mày có thương tao không?

- Thương chứ, thương cả vợ mày luôn.

Ông Hữu làm bộ trừng mắt, nhìn ông Hà trách móc:

- Trời đất! Vợ tao mà mày thương hả?

Ông Hà điềm tĩnh, giải thích:

- Tao thương chứ đâu có yêu. Thương khác, yêu khác.

Tất cả chúng tôi đều cười. Có nhiều triệu chứng cho thấy, ông Hà có thể sẽ bình phục.

- Anh Hà ơi! Tại sao anh ‘mày tao’ với ông Hữu mà anh không ‘mày tao’ với chúng tôi?

- Tôi chơi thân với ông Hữu. Còn anh thì tôi giữ lịch sự.

Chúng tôi mỉm cười, rồi cúi xuống, tiếp tay với ông Hũu, buộc giây giầy cho ông Hà. Khi vén ống quần của ông Hà lên, thêm lần nữa, chúng tôi nhìn thấy rõ ràng hai vết sẹo, trông tựa như mấy con rết rất lớn, quấn chung quanh hai cổ chân ông Hà. Có chỗ lún sâu, ăn mòn vào trong ống xương gần nửa đốt ngón tay. Nếu không là ‘VẾT TÍCH tàn ác, bất nhân’ do VC gây ra trong trại giam thì là vết tích gì đây?

Mỗi lần nhìn ‘vết tích’ ấy, thêm một lần chúng tôi cảm thấy rùng mình, ghê tởm hành động dã man của bọn ‘hình người dạ thú’. Làm sao VC có thể chối cãi về hành động tàn ác, bất nhân khi sử dụng giây kẽm gai, buộc chặt vào hai cổ chân ông Hà? Ngày cũng như đêm, mỗi lần cử động, lại thêm một lần ông bị mấy đầu nhọn giây kẽm gai, ‘cưa sâu’ vào chung quanh cổ chân.

Quý vị nào đã sa cơ trong ngục tù VC thì hiểu rõ, trường hợp như ông Hà, không phải là trường hợp độc nhất, mà chỉ là trường hợp điển hình. Trong các ngục tù VC, ngụy danh là trại ‘cải tạo’, bên cạnh những người tù ‘bình thường’, có hàng ngàn tù nhân bị VC hành hạ ác liệt trong các phòng biệt giam. Họ phải chịu cực hình của bọn ‘hình người dạ thú’: Cùm kẹp, tra tấn, đánh đập và khủng bố tinh thần, để rồi phải mang tật nguyền suốt đời, hay chết đắng cay và tủi nhục nơi rừng thiêng nước độc.

Cuộc Đời Nổi

Trôi Theo Vận Nước

Ông Trương Đình Hà, quê ở xã Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hồi niên thiếu ông sống với gia đình trong vùng kháng chiến chống Pháp do Việt Minh kiểm soát. Nhưng mấy năm sau, gia đình ông nhìn thấy bộ mặt thật gian manh Cộng Sản trong tổ chức này thì bỏ vùng kháng chiến về Đà Nẵng rồi vào Sài Gòn định cư.

Khi lên Trung Học, ông là học sinh xuất sắc, đã thành công khi theo ‘phong trào học nhẩy’ ở Sài Gòn — mỗi năm học 2 lớp. Thay vì phải học 7 năm, ông Hà hoàn tất chương trình Trung Học khoảng 3 năm rưỡi và đậu Tú Tài II Ban Toán.

Với sức học xuất sắc như vậy, ông Hà có thể thành công dễ dàng khi vào trường Cao Đẳng chuyên nghiệp, hay ghi danh vào phân khoa Đại Học. Nhưng vì sở thích và nhất là ý chí đấu tranh, ông Hà xin nhập học Trường Võ Bị.

Thật vậy, với bằng Tú Tài II hồi ấy, ông Hà cũng có thể đi kiếm việc dễ dàng. Lẽ dễ hiểu là chuyện thi cử thời Đệ Nhất VNCH, vẫn còn thi theo kiểu của Pháp, nên khó khăn hơn so với phương pháp ‘trắc nghiệm’ của Mỹ sau này. Tỷ số thi sinh đậu Tú Tài II trên toàn quốc — tại miền Nam — ở mức rất thấp. Vì đa số là các thí sinh là trường tư thục, hoặc thí sinh tự do.

Trong khoảng thời gian này, Chủ Tịch VC Nguyễn Minh Triết đi thi Tú Tài II bị rớt. Tên ma đầu này liền sử dụng bằng GIẢ, xin nhập học Khóa Sĩ Quan Cảnh Sát. Sau khi bị phát giác, Triết bỏ trốn vào bưng theo tổ chức ma đầu, mệnh danh là ‘Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam’.

Quý vị nào là ‘bạn học’ cùng khoá SQ Cảnh Sát với Nguyễn Minh Triết, xin vui lòng cho biết thêm chi tiết chính xác hơn — để góp phần với các sử gia CHÂN CHÍNH, có thêm tài liệu chính xác, lật tẩy bọn bồi bút và các ‘sử gia ĐỎ’, thi hành quỷ kế xuyên tạc lịch sử của đảng giặc VC.

Trở lại chuyện ông Hà vào học Trường Võ Bị, năm thứ nhất ông ở đại đội B, sang năm thứ 2 ông Hà đổi sang đại đội G. Theo lời ông Hữu thuật lại, ông Hà rất giỏi Toán. Trong lớp học Calculus (Tích Phân & Vi Phân), đôi lần ông Hà ‘ngủ gà ngủ gật’ — vì đêm hôm trước, các SVSQ phải đi tập ‘dạ hành’ suốt đêm. Nhưng khi giáo sư là ‘Papa Phát’ gọi lên bảng thì ông Hà lại giải đáp mấy bài toán ‘hắc búa’, rất rành mạch, đúng 100%, khiến ‘Papa Phát’ ngạc nhiên. Nhiều lần như vậy, nên ‘Papa Phát’ rất cưng ông Hà.

Hôm học chiến thuật ‘Trung Đội Vượt Sông’, ông Hà là người duy nhất của khóa 20, đã bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia của hồ Xuân Hương ở Đà Lạt.

Cuối năm 1965, sau khi mãn khóa, ông Hà gia nhập binh chủng Biệt Động Quân và thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 36. Đơn vị của ông đã tham dự, hầu hết các trận đánh ác liệt trong vùng Bình Long, Bình Dương và Phước Long.

Là đơn vị trưởng, ông luôn luôn áp dụng ‘kỷ luật sắt’ để ngăn cấm dăm ba thuộc cấp làm chuyện ‘bê bối’. Nên đơn vị của ông, được dân chúng — trong vùng trách nhiệm — rất mến mộ. Nhờ khả năng chỉ huy và thành thạo võ Bình Định, nên những binh sĩ ‘ba gai’, nổi tiếng là ‘du côn’ trong đơn vị, đều nể sợ ông Hà.

Trong Liên Đoàn 3 BĐQ, người bạn chí thân của ông Hà là ông Đỗ Cơ Danh. Đôi bạn cùng Khoá 20, đều thích uống rượu, hút thuốc Bastos xanh và nhiều lần ‘thập tử nhất sinh’ bên nhau trên chiến trường. Có lần, đại đội của ông Danh bị hai tiểu đoàn VC bao vây. Nhiều người e ngoại, địch quân quá đông nên đợi khi có phi cơ và pháo binh yểm trợ thì mới đem quân đến cứu viện. Nhưng ngược lại, ông Hà bất chấp. Ngay khi được tin ông Danh lâm trận, ông Hà liền tình nguyện đem quân đến giải vây.

Kết quả là hai tiểu đoàn VC đã bị 2 đại đội BĐQ — của ông Danh và ông Hà — phản công mãnh liệt. Nên chúng không chịu nổi tổn thất, đành phải rút lui khỏi chiến trường, để lại cả trăm xác chết cùng vũ khí đủ loại. Đây là một trong những chiến công sáng giá mà ông Hà đã nhận được huy chương cao quý của Quân Lực VNCH và Hoa Kỳ.

Một hôm sau khi hành quân về hậu cứ, ông Hà và ông Danh đến quán rượu — khu cấm quân nhân Mỹ lai vãng — thì không ngờ, bị quân cảnh Mỹ tới bắt giữ. Hai ông phản đối quyết liệt, vì quân cảnh Mỹ không có quyền bắt giữ quân nhân VNCH. Nhất là hai ông lại là Sĩ Quan, đơn vị trưỏng. Nhưng cuối cùng, rất may mắn, không có chuyện ‘đổ máu’ xẩy ra.

Sau nhiều trận đánh ác liệt, ông Hà và ông Doanh thuyên chuyển đi đơn vị khác nhau. Ông Hà về TĐ34, còn ông Danh về TD 51. Nhưng rồi, không lâu sau, ông Danh tử trận tại Cát Lái. Ông Hà buồn khôn tả, đến nỗi bỏ luôn 2 ‘tật nghiền kinh niên’ là hút thuốc Bastos xanh và uống rượu, mà trước đó ông Hà không thể nào bỏ được!

Tuy nhiên, chuyện bất hạnh nhất trong cuộc đời của ông vẫn là chuyện ngục tù. Sau ngày miền Nam thất thủ năm 1975, ông Hà bị VC hành hạ dã man, ròng rã suốt 11 năm trời.

Khởi đầu, ông bị giam 4 tháng trong trại Hòa Cầm — Trung Tâm Huấn Luyện của VNCH — tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian này, VC đang ‘say men chiến thắng’, nên rất sắt máu. Ai đụng đến ‘Bác và Đảng’ của chúng, nếu không mất mạng thì triền miên trong ngục tù.

Thế nhưng, ông Hà bất chấp. Khi VC ép buộc ông phải cúi đầu, tôn thờ ‘bác Hồ’ quốc tặc thì không ngờ, ông đã ‘cả gan’, kéo tấm ảnh Hồ Chí Minh từ trên tường xuống. Không những ông xé nát tấm ảnh họ Hồ, ném xuống đất, mà lại còn giẫm chân lên. Vì thế, ông bị chúng xúm lại, đánh đập túi bụi. Sau đó, trong phòng biệt giam, cai tù VC đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để khủng bố tinh thần và hành hạ thể xác ông.

Sau 4 tháng, VC chuyển ông sang trại Khai Hoa, quận Thượng Đức, tỉnh Quảng Nam. Ở đây suốt 1 năm, ông chấp nhận bị cùm chân, còng tay trong phòng biệt giam chứ không chịu đi làm lao động. Cai tù VC liệt kê ông vào thành phần ‘ác ôn côn đồ không thể nào cải tạo’, nên chuyển ông sang trại Tiên Lãnh, quận Tiên Phước.

Trong trại giam thứ 3 này, VC đã áp dụng nhiều phương pháp ‘thần sầu quỷ khốc’ để hành hạ tù nhân nào có tinh thần bất khuất cao độ như ông Hà. Thiết tưởng mức độ dã man, tàn ác không kém trại ‘Lý Bá Sơ’ khi xưa ở miền Bắc. Suốt 10 năm trời, khi thì ông Hà bị chúng tra tấn, đầy đọa, bỏ đói. Khi thì chúng ve vãn, hứa hẹn. Tất cả chỉ nhằm chủ đích, bắt ông Hà cúi đầu tôn thờ ‘bác Hồ’ quốc tặc và ‘đảng’ giặc VC.

Thế nhưng, ông Hà vẫn ‘trước sau như một’. Các bạn tù trong trại đều chứng kiến, mỗi lần VC cho ông Hà dự buổi ‘học tập’ thì lại thêm một lần nổi giận:

Sau khi nhận tài tiệu của VC phân phát thì ông Hà đọc lướt qua rồi gạch dưới, hoặc làm vòng tròn chung quanh với lời chú giảI — đoạn nào VC ‘nói láo’, đoạn nào VC viết ‘rất ngu’, đoạn nào VC ‘bịp bợm’. Làm xong, ông đứng lên, cắt nghĩa cho chúng nghe, từng điểm sai trái với dẫn chứng xác thực. Vì vậy, bọn VC càng nổi nóng, thù oán ông Hà. Thay xử bắn ông Hà, bọn chúng sử dụng phương pháp hành hạ nạn nhân vô cùng thâm độc:

Chúng dùng giây kẽm gai, cột chân ông vào chiếc cọc sắt — đóng sâu ở giữa chiếc hố, to và sâu gấp hai, ba lần hố bom — rồi đổ nước ngập tới cằm ông Hà. Khi ông mệt mỏi, gục đầu xuống thì bị nước làm ngộp thở. Khi ông nhúc nhích hai bàn chân thì bị kẽm gai ‘cưa sâu’ vào hai cổ chân.

Thế rồi, đêm cũng như ngày, trời nóng hay lạnh, ông Hà đều phải ngâm mình dưới nước và đi tiêu đi tiểu tại chỗ. Dĩ nhiên, VC không cho ông ăn. Chủ đích của chúng là muốn kéo dài thời gian để ông Hà ‘chết dần chết mòn’ trong nỗi đau đớn cùng cực về thể xác; đắng cay cùng cực về tinh thần. Quỷ kế này còn gieo rắc kinh hoàng trong tâm trí của các tù nhân tại trại giam.

Thế nhưng, nhiều bạn tù, giàu lòng nhân ái và có tinh thần đồng đội cao. Họ đã lén lút, quẳng khoai mì xuống cho ông Hà ăn. Nhờ vậy, ông sống sót.

Tuy nhiên, sức người có hạn. Làm sao ông Hà có thể chịu đựng được lâu dài? Cuối cùng, ông bị mất trí. Sau nhiều lần thấy ông Hà ‘nổi cơn điên’ thì VC tỏ ‘lòng nhân đạo’ kiểu VẸM, cho thân nhân của ông đến đón.

Hôm đầu tiên, ông Hà trở về nhà thì tất cả gia đình, bạn hũu, họ hàng, lối xóm không ai nhận ra ông! Thân hình ông chỉ còn da bọc xương, nhiều nơi lở loét. Hai con mắt ông đỏ hoe, miệng thường hay nói lảm nhảm. Hai cổ chân ông sưng vù, to như hai bắp chuối — đầy mủ và rỉ máu thường xuyên.

Quý vị nào đã từng trải qua mấy trại giam nêu trên, chắc hẳn còn nhớ ông Hà và chứng kiến thảm cảnh dã man, tàn ác do VC tạo ra? Nhiều bạn tù của ông Hà, ngay sau khi được thả, đã đến thăm ông. Họ thuật lại tỷ mỉ cho gia đình ông nghe. Trong đó có bà Trương Đình Tân, em của ông Hà, hiện nay cư ngụ ở thành phố Perth, West Australia. Bà Tân vẫn còn nhớ từng chi tiết, từng câu chuyện ‘thần sầu quỷ khốc’ mà ông Hà đã chịu đựng hơn 11 năm ngục tù.

San Jose 29-9-2003

Trần Quốc Kháng

-------------------------

Copyright by Trần Quốc Kháng:

Tác gỉa GIỮ BẢN QUYỀN tất cả các bài viết phổ biến trên mạng lưới điện toán, hoặc các Egroups và báo chí hải ngoại. Tuy nhiên, để góp phần vào công ích đấu tranh, chúng tôi vui mừng khi được các cơ quan truyền thông Chân Chính, hoặc quý chiến hữu FWD, phổ biến bài viết này.

Ngược lại, bất cứ tổ chức, hay cá nhân nào dùng bài viết của chúng tôi, để sử dụng với mục đích MỜ ÁM như vài ba tuần báo ở Nam Bắc California đã làm, hoặc cắt xén, hoặc sửa chữa, dù vài ba chữ, nhằm xuyên tạc nội dung, sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công luận và luật pháp.