Sunday, January 31, 2010

Trần Quốc Kháng- Tiếc Thương! Cuộc Đời Và Chuyện Tình Alpha Đỏ 2

Tiếc Thương! Cuộc Đời Và

Chuyện Tình Alpha Đỏ

(Phần 2)

Trần Quốc Kháng

Download this file

Tiếp theo Phần 1, để tưởng nhớ Cựu Đại Uý Trương Đình Hà — xuất thân Khoá 20 SQHD Trường Võ Bị Quốc Gia VN — đã an giấc ngàn thu ngày 16-1-2010, xin gởi đến quý vị bài ‘Cuộc Đời Và Chuyện Tình Alpha Đỏ’ Phần 2. (1)

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại, câu chuyện ‘Alpha Đỏ’ này được viết từ hồi tháng 9 năm 2003 — khi ông Hà còn điều trị bệnh tâm thần ở Crestwood Manor, San Jose. Chúng tôi muốn thuật lại cuộc sống thăng trầm theo dòng lịch sử, có phần bi thảm, nhưng vẫn đậm nét hào hùng của ông Trương Đình Hà. Trong đó, có phần chuyện tình của ông và bà Nguyễn Thị Lệ Nga được ghi lại theo lời thuật lại của ông bà Nguyễn Phú Hữu (Khoá 20 VB) làm nhiều người liên tưởng đến ‘Đóa Hoa Sen’ — loài hoa ‘cao quý’, luôn luôn vươn lên cao, thường thấy nở trên ao bùn hôi thối.

Chuyện Tình Alpha Đỏ

Không ai có thể làm thống kê, kiểm điểm xem trên hai miền Nam Bắc VN, từ năm 1945 đến năm 1975, có bao nhiêu đôi ‘uyên ương’ — lẽ ra được hưởng hạnh phúc bên nhau suốt đời — thì bị xô đẩy vào 2 cuộc chiến kéo dài 30 năm do quốc tặc Hồ Chí Minh và đảng giặc VC chủ xướng. Tuy nhiên, cắn cứ vào số binh sĩ của hai phía, ở lứa tuổi đôi mươi bị tử trận, thì chắc chắn có hàng trăm ngàn chuyện tình đã kết thúc bằng máu và nước mắt.

Mấy năm trước đây, chúng tôi có viết về chuyện ‘Uyên Ương Gẫy Cánh’ để tưởng niệm các Tử Sĩ — Cựu SVSQ/Khóa 21VB — trong đó có mấy vần thơ:

Kỷ niệm xưa bên hồ Than Thở

Nụ hôn đầu sớm nở trao anh

Không ngờ duyên kiếp mong manh

Uyên Ương Gẫy Cánh trên cành yêu đương

Còn ‘Chuyện Tình Alpha Đỏ’ của ông Trương Đình Hà và bà Nguyễn Thị Lệ Nga thì cũng kết thúc, bi thảm tương tự như trên:

Hai người yêu nhau từ khi ‘chàng’ còn là SVSQ Trường Võ Bị và dĩ nhiên, họ mơ ước, được ‘trăm năm hạnh phúc’ bên nhau. Thế nhưng, chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, mạng sống con người mong manh như sợi tóc. Nên chàng và nàng, không dám tiến tới chuyện kết hôn. Vì sau khi kết hôn, nàng dễ dàng trở thành quả phụ, suốt cuộc đời còn lại, sẽ phải sống bên cạnh mấy đứa con thơ không có cha.

Vì vậy, khi học xong Trường Võ Bị, chàng xông pha trên chiến trường. Còn nàng, sau khi tốt nghiệp đại học Văn Khoa, đành an phận với trách nhiệm của cô giáo. Hai người chỉ còn biết hứa hẹn, trao đổi thư từ, mỗi năm đôi ba lần gặp gỡ, hoặc làm thơ để thỏa lòng mong nhớ. Hết năm này sang năm khác, chàng và nàng mỏi mòn chờ đợi, đất nước thanh bình thì mới xây dựng tổ ấm.

Nhưng chẳng ngờ, miền Nam thất thủ năm 1975. Chàng bị đảng giặc VC hành hạ trong ngục tù. Còn nàng phải sống trong chế độ Mafia Đỏ — cực khổ đủ điều — nên phải nghĩ đến chuyện vượt biển tỵ nạn.

Nhưng làm sao giải thoát cho chàng ra khỏi trại tù? Trong thời gian ấy, VC chỉ cho bà mẹ của chàng đến thăm. Làm sao, nàng có thể gặp chàng để bàn tính chuyện vượt biển? Nàng thất vọng, nhưng nhất quyết, thà chết cả đôi, chứ không bao giờ đi lánh nạn một mình.

Thế rồi, nàng mỏi mòn, đợi chời hết năm này đến năm khác, chỉ thiếu điều ‘hóa thành đá’ — giống như Hòn Vọng Phu. Nỗi khổ của nàng, còn trầm trọng hơn nỗi khổ của thiếu phụ trong câu chuyện ‘Hòn Vọng Phu’. Vì thiếu phụ ấy, còn có con mà bồng, nên đỡ cảm thấy cô đơn. Ngược lại, nàng thì không.

Đọc đến đây, thể nào cũng có người thắc mắc: Nàng chưa kết hôn với chàng thì động lực nào ép buộc, nàng phải trung thành với kẻ ‘đã ngã ngựa’ — sống trong ngục tù, không biết đến năm nào mới được thả ra?

Nhất là trong thời Mafia VC thì chuyện ‘phù thịnh’, chuyện ‘thay trắng đổi đen’, hoặc sa ngã v.v. đều là chuyện ‘rất bình thường’. Thi sĩ Khuyết Danh, tác giả của tập thơ Vô Đề đã viết:

Hạnh phúc, niềm tin, nhân phẩm, luân thường

Đảng đến là tan nát cả

Ai đã từng sống dưới chế độ Mafia Đỏ thì nghiệm thấy, đó là sự thật. Những giá trị tinh thần trong xã hội VN bị băng hoại trầm trọng. Nhiều người bị VC đầu độc, trở thành những kẻ vô luân. Đường lối cai trị của chúng dồn ép con người, dễ dàng sa vào cảnh ‘bần cùng sinh đạo tặc’, hành xử với nhau như loài cầm thú.

Một ngàn năm giặc Tàu đô hộ dân ta. Một trăm năm thực dân Pháp giầy xéo đất nước ta. Nhưng chưa có thời kỳ nào, xã hội VN lại có nhiều chuyện vô luân, nhiều chuyện bất nhân như thời giặc Cờ Máu.

Chứng cớ điển hình là sau khi chiếm được miền Bắc, giặc Cờ Máu xách động người nghèo, đấu tố người giàu. Thảm trạng cướp cuả giết người trong những năm “Cải Cách Ruộng Đất” diễn ra khắp nơi. Luân thường đạo lý trong xã hội tiêu tan. Con đấu tố cha, vợ đấu tố chồng. Họ hàng hoặc bạn hữu nghi kỵ nhau, tố cáo nhau, hậm hực với nhau như ‘chó với mèo’ — tranh nhau ăn!

Khi VC chiếm được miền Nam thì hàng trăm ngàn, hay cả triệu gia đình tan nát vì chiến dịch ‘Hoa Nở Về Đêm’? Trong khi người chồng bị VC giam trong trại tù thì người vợ ở nhà sa vào cảnh bần cùng. Đảng giặc gian manh lại còn thâm độc, âm thầm ‘bật đèn xanh’, cho cán bộ, bộ đội, hay công an đến nhà dụ dỗ, hăm dọa và lừa gạt.

Trước cảnh ‘cây gậy và củ cà rốt’ có bao nhiêu thiếu nữ, vẫn giữ lòng son sắt với chồng trong lúc bị sa cơ? Có bao nhiêu người đã ‘thay dạ đổi lòng’? Có bao nhiều người bị sa ngã, hoặc bị lừa gạt?

Dù sao, chiến dịch “Hoa Nở Về Đêm”, vô hình trung đã được tên thổ phỉ VC là Nguyễn Hộ ‘xác nhận’. Khi thảo luận với đồng đảng về cách đối xử với thành phần ‘Quân, Cán, Cảnh VNCH’ thì hắn nói:

‘Nhà của chúng, ta ở; vợ của chúng, ta lấy; con của chúng, ta sai. Còn chúng, ta cho vào tù trong những khu rừng thiêng nước độc...’.

Hệ quả là nhiều tù nhân, sau khi đi tù trở về thì nhà cửa, vợ con đều bị ‘cán ngố’ cướp trắng tay. Trong nhiều trường hợp, chúng còn đểu cáng đến độ, lúc người tù trở về không nơi tá túc thì chúng cho ở tạm trú một đêm. Chờ đến khi ‘tối lửa tắt đèn’, chúng làm tình với người vợ cũ của tù nhân, rồi cố tình gây tiếng động!

Hiện thời, sau 27 năm chiến tranh chấm dứt, nhưng thảm cảnh đói khổ, lầm than và tệ đoan xã hội, càng ngày càng gia tăng. Có hàng trăm ngàn phụ nữ, hay cả triệu phụ nữ và bé gái, không những phải ‘bán trôn nuôi miệng’, mà lại còn cầu mong có thai với khách làng chơi, để bán con từ khi còn ở trong bụng mẹ nhằm kiếm được những món tiền ‘béo bở’!

Trong xã hội xô bồ, bẩn thỉu như thế, vô luân như thế, liệu còn bao nhiêu người vẫn vươn lên, để cuộc sống có tình, có nghĩa, có thủy chung? Không ai biết, nhưng chắc chắn, họ là thành phần thiểu số.

Như vậy, hiếm hoi lắm mới tìm thấy ‘tấm lòng vàng’. Hiếm hoi lắm mới chứng kiến ‘câu chuyện tình cao đẹp’ — như khi đọc ‘Hồn Bướm Mơ Tiên’, hay xem phim ‘Roméo Và Juliette’.

Vì vậy, ai cũng ngạc nhiên, ‘chuyện lạ, khó tin nhưng có thật’: Trong thời Mafia VC, có thiếu nữ trẻ đẹp, duyên dáng, gia đình khá giả — không hiểu vì tâm hồn cao thượng bẩm sinh, hay vì lòng thủy chung với người tình cũ — đã vui mừng kết hôn với chàng ‘Alpha Đỏ’, mang bệnh tâm thần, từ trại ngục tù VC trở về quê cũ.

Chẳng hiểu quý vị có cảm nghĩ thế nào? Còn chúng tôi thì liên tưởng đến ‘Đóa Hoa Sen’ — loài hoa ‘cao quý’, luôn luôn vươn lên cao, thường thấy nở trên ao bùn hôi thôi.

Đúng là như vậy. Ông Trương Đình Hiến, anh của ông Hà, thường nhắc lại ‘kỷ niệm hi hữu’ trong buổi lễ kết hôn của chàng và nàng: Giữa lúc cô dâu và chú rể đang trịnh trọng tiếp đón quan khách thì chú rể ‘nổi cơn điên’, đứng nói lảm nhảm rồi bỏ vào phòng nằm ngủ! Nhưng nghi lễ vẫn tiến hành. Mặc dù cô dâu đứng ‘lẻ loi’, nhưng vẫn vui vẻ và hãnh diện khi kết hôn với ông Hà!

Sau khi nghe câu chuyện tình này, có lần chúng tôi đã tự hỏi, Đức Bồ Tát, hay Đức Mẹ Maria, đã xếp dặt cho nàng đến với chàng? Hiển hiện, ai cũng biết là nàng không mưu cầu hạnh phúc ái ân, hay ‘giầu sang phú quý’. Vì kết hôn với kẻ mắc bệnh tâm thần thì không bao giờ đạt được những điều mong ước ấy, mà ngược lại còn ‘mang gánh nặng’ vào thân!

Đấy là chưa kể, thể nào cũng có kẻ dèm pha, thế này, thế nọ. Nhưng nàng bất chấp. Vì tình yêu, vì tình xưa nghĩa cũ, vì lòng nhân ái thúc đẩy, nàng muốn ở bên cạnh chàng để nuôi nấng, chăm sóc và an ủi. Nàng hiểu rõ, vì thảm họa Cộng Sản nên chàng bị sa vào cảnh nghiệt ngã, cần có bàn tay của nàng săn sóc.

Chỉ tiếc rằng, với ‘tấm lòng vàng’ như thế, nàng sống chung với chàng không được bao lâu thì bị ngăn cách. Chàng phải vào nhà thương điên Biên Hòa. Còn nàng, phải sống lẻ loi ở Sài Gòn.

Thế rồi, vào một buổi chiều mưa to gió lớn. Nhưng nàng bất chấp, vẫn giữ đúng như lời hẹn, đi xe đạp từ Sài Gòn đến Biên Hòa thăm chàng. Chẳng ngờ khi về, đường ướt đẫm nước mưa, nàng ngã, nằm bất tỉnh bên lề đường. Sau khi được chở vào nhà thương, khoảng mấy ngày thì nàng tắt thở — vì vết thương nhiễm trùng ‘sài uốn ván’!

Trong khi ấy, chàng ở Biên Hòa không hề biết tin nàng đã qua đời. Chàng đâu có ngờ, buổi chiều mưa to gió lớn hôm nao là lần cuối cùng, hai người gặp nhau.

Khi viết đến đây, chúng tôi muốn gởi ‘nén hương lòng’ về nơi an nghỉ cuối cùng của người quá cố để tỏ lòng mến mộ ‘Tấm Lòng Vàng’ của bà ‘chị dâu Võ Bị’.

Chính ông bà Nguyễn Phú Hữu — hai người biết rõ về ‘Cuộc Đời Và Chuyện Tình Alpha Đỏ’ — cũng vì lòng mến mộ và tình chiến hữu, nên thường xuyên chăm sóc ông Hà rất tận tình. Kể cả việc đón ông Hà về nhà hớt tóc, tắm rửa, lo thuốc men, hay dẫn ông Hà đi ăn, nhất là vào những ngày nghỉ như Tết Nguyên Đán hay lễ Giáng Sinh.

Đây cũng là trường hợp hiếm hoi làm chúng tôi nhớ đến chuyện ‘Lưu Bình, Dương Lễ’ hồi xưa. Vì ở xứ Mỹ này, đa số người Việt tỵ nạn đều bận rộn về gia đình và sinh kế. Nên ít có người làm được những điều ‘thiện nguyện’, tận tụy săn sóc, giúp ông Hà, như ông bà Nguyễn Phú Hữu đã làm.

Đôi Điều Suy Ngẫm

Bên cạnh tình ‘huynh đệ chi binh’ nồng thắm nêu trên, ‘Cuộc Đời Alpha Đỏ’ của ông Trương Đình Hà chỉ là trường hợp điển hình cho thấy, tinh thần bất khuất của khá đông tù nhân — Cựu Quân Nhân VNCH — khi sa cơ thất thế, bị đầy đoạ dã man trong ngục tù, nhưng nhất quyết, không cúi đầu theo đảng giặc VC “thờ Mao Chủ Tịch, thờ Stalin”.

Đồng thời, khi viết về ‘Cuộc Đời Alpha Đỏ’, chúng tôi còn muốn tỏ lòng tri ân các Thương Phế Binh VNCH. Họ là những người đã cầm súng — trong hàng ngũ Quân Lực VNCH — phục vụ Chính Nghĩa, để miền Nam đứng vững 20 năm (1954-1975).

Nhờ vậy, hàng chục triệu đồng bào, trước 1975, KHÔNG phải đi vượt biên, vượt biển, hay sa vào thảm cảnh, nghèo khổ lầm than như bây giờ. Sau 1975 thì đại nghĩa “Diệt Cộng An Dân”, càng ngày càng sáng tỏ. Ai cũng nhìn thấy mặt thật ‘phản dân hại nước’ của quốc tặc Hồ Chí Minh và đảng giặc VC.

Do đó, giúp đỡ Thương Phế Binh VNCH ở VN là nghĩa cử, nên làm. Tuy nhiên, xin quý vị đề cao cảnh giác và tìm hiểu kỹ càng về chuyện quyên tiền giúp Thương Phế Binh, hoặc việc Từ Thiện khác.

Loài ác quỷ, giả lòng nhân ái

Lũ ma đầu mặc áo cà sa

Tạo mà sương, ẩn náu tâm tà

Che tội ác, lừa bịp thiên hạ

Đó là hiện tình trong cộng đồng tỵ nạn VC ở hải ngoại — đúng như mấy vần thơ của tác giả Phạm Thanh Phương diễn tả. Còn tình trạng ở VN thì hiển nhiên, tồi tệ hơn cả ngàn lần. Chuyện điển hình như hồi Tết Nguyên Đán năm ngoái, đài Á Châu Tự Do và giới truyền thông ngoại quốc đã tường trình — tóm lược là:

‘Cán bộ VC, từ Bắc vào Nam, đã tham nhũng, ăn cắp cả tiền quỹ của người NGHÈO KHỔ thì không còn là CON NGƯỜI NỮA’.

Đấy là chưa kể, ở nhiều nơi, quà Giáng Sinh của trẻ em, hay xe lăn của Thương Phế Binh — do các hội ‘Từ Thiện’ ở hải ngoại gởi tặng — đều bị VC tịch thu, vì không có tiền trả thuế cho bọn VC! Như vậy, tiền giúp Thương Phê Binh, tiền ‘Từ Thiện’, tiền ‘Ái Hữu’ v.v. làm sao tránh khỏi nanh vuốt của bọn “hình người dạ thú’?

San Jose 29-9-2003

Trần Quốc Kháng

---------------------------------------------

(1) Copyright by Trần Quốc Kháng:

Tác gỉa GIỮ BẢN QUYỀN tất cả các bài viết phổ biến trên Internet, hoặc báo chí ở hải ngoại. Bất cứ ‘cơ quan ngôn luận’ hay cá nhân nào TỰ Ý lấy bài viết của chúng tôi trên Internet (không do chúng tôi gởi đến địa chỉ của họ), để sử dụng với mục đích MỜ ÁM — như vài ba tuần báo ở Nam Bắc California đã làm — hoặc cắt xén, hoặc sửa chữa, dù vài ba chữ, nhằm xuyên tạc nội dung, sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công luận và luật pháp.

Ngược lại, chúng rất vui mừng khi nhận được Email của quý vị có THIỆN Ý, muốn phổ biến bài viết của chúng tôi — trên Website, Đặc San, Tuần Báo, Nhật Báo v.v. Xin vui lòng liên lạc với chúng tôi qua địa chỉ Email Tran_Quoc_Khang@Yahoo.com. Chúng tôi sẽ hoan hỷ phúc đáp.