Saturday, March 20, 2010

Vương Trùng Dương-TRƯNG NỮ VƯƠNG (40-43)


TRƯNG NỮ VƯƠNG (40-43)
Anh Thư Khởi Nghĩa Mở Đường...

Vương Trùng Dương biên soạn


Vào đầu thế kỷ thứ I, nước ta còn bị lệ thuộc nhà Đông Hán (25-220) bên Trung Hoa, Thái thú Giao Chỉ là Tô Định vô cùng bạo ngược, làm lắm điều tàn ác, người người oán hận. Chính sách ngoại biên của nhà Hán với nhiều luật lệ ngặt nghèo, khắt khe đã khơi dậy ngọn lửa oán hờn trong lòng dân nước Việt.

Trưng Trắc sinh năm Giáp Tuất (năm 14 sau Tây Lịch), quê ở Mê Linh (Yên Lãng, Phúc Yên nay thuộc vùng Hạ Lôi, Yên Lãng, Vĩnh Phú). Cha là Trưng Định, làm quan Lạc Tướng ở huyện Mê Linh. Mẹ là bà Man Thiên, tức Trần Thị Đoan, dòng dõi Hùng Vương.

Gia đình ông Đặng Tập ở Chu Diên thuộc dòng dõi Lạc Tướng, con trai ông là Đặng Thi Sách, khôi ngô, giỏi võ nghệ, có tinh thần yêu nước. Được tin ở Mê Linh có hai nữ lưu có ý chí kiên cường, dám chém đầu Tích Lâm khi buông lời khả ố, chọc ghẹo nên tìm đến kết thân.

Thi Sách và Trưng Trắc cùng chung chí hướng, tài giỏi võ nghệ, tâm đầu ý hợp nên kết nghĩa phu thê.

Năm 39, Tô Định giết Thi Sách. Vừa giận thù nhà, vừa hận nợ nước, nên Trưng Trắc cùng với em là Trưng Nhị chiêu binh mãi mã phất cờ khởi nghĩa đánh quân nhà Hán. Sau khi làm lễ để tang chồng, Trưng Trắc thảo tờ hịch kể tội ác của quân nhà Hán và kêu gọi dân chúng đứng dậy chống giặc thù để phổ biến khắp nơi
Dưới bóng cờ nương tử, nghĩa binh Mê Linh phá quận trị Giao Chỉ của nhà Hán, ngày càng có thêm nhiều đoàn quân từ các nơi đổ về dưới bóng cờ khởi nghĩa nhằm tiêu diệt quân xâm lăng. Chẳng bao lâu, quân của Hai Bà Trưng đã đánh hạ được tất cả 65 thành, Tô Định khiếp sợ, chạy về Nam Hải chịu tội với vua Hán.

Tin thắng trận bay đi, nhân dân các quận Hợp Phố (Quảng Đông ngày nay), Cửu Chân và Nhật Nam (Bắc Việt và Bắc Trung Việt ngày nay) hưởng ứng rất đông theo tiếng gọi của hai vị nữ anh thư. Thanh thế của lực lượng khởi nghĩa thật lừng lẫy.

Trưng Trắc lên ngôi vua, tự xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh chấm dứt 150 năm Bắc thuộc lần thứ nhất (111 trước Tây Lịch đến 39 sau Tây Lịch). Trưng Trắc lên ngôi vua, phong cho Trưng Nhị làm Bình Khôi Tướng Quân, nắm giữ toàn thể quân lực.

Tháng Chạp, năm 41, vua Hán Quang Võ phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, mang 20 vạn quân sang đánh. Trận kịch chiến dữ dội giữa đại quân của Mã Viện với dân binh do Trưng Nữ Vương thống lĩnh đã diễn ra ở Lăng Bạc (Đông Triều - Yên Phong, Hà Bắc). Quân Mã Viện mai phục trên các triền đất cao giữa vùng Lăng Bạc bị Trưng Nữ Vương đem quân tới chận đánh. Trận chiến đầu tiên với đạo quân của Mã Viện đã mang lại thắng lợi nhưng quân sĩ đã hy sinh quá nhiều; trước tình thế đó, Trưng Nữ Vương thu quân về giữ Cấm Khê (Hà Nội - Quốc Oai - Hà Tây).

Mã Viện xin tăng cường thêm quân rồi tiếp tục kéo binh xâm lược, trận huyết chiến lại xảy ra, máu chảy đỏ sông Hồng, sông Đáy. Qua bốn trận thư hùng với quân địch, hàng vạn quân dân Việt đã bị giết và bị bắt. Quyết chống trả với quân giặc đến cùng, Trưng Nữ Vương phải bỏ Cấm Khê lui quân về đến Hát Giang, nơi đây vì quân ít, thế cô và cùng đường, hai vị anh thư không muốn rơi vào tay quân địch bèn gieo mình xuống sông tự vận để bảo toàn danh tiết. Đó là ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (năm 43). Theo Nam Sử, Trưng Trắc hưởng dương 29 tuổi.
Mã Viện đem phủ trị về đóng ở Mê Linh, dựng trụ đồng nơi phân chia địa giới, khắc sáu chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” nhằm đe dọa, người dân cam phận sống trong cảnh lầm than!

Ngày nay, ngoài quê hương Mê Linh, tại bãi Đồng Nhân ở vùng ngoại ô thành phố Hà Nội có ngôi đền cất từ năm Nhâm Tuất (1142) thờ Hai Bà Trưng rất lớn. Tại Hát Môn, Sơn Tây có Miếu Hát thờ Hai Bà Trưng, theo dân gian, nơi nầy rất linh thiêng...
Để tỏ lòng tôn kính, hàng năm vẫn tổ chức lễ kỷ niệm hai vị anh thư Trưng Trắc và Trưng Nhị vào ngày mùng 6 tháng 2 Âm lịch.

Trong “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” có bốn câu:

“Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân...”

Sách “Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập” có những vần thơ vịnh Hai Bà Trưng:

“Giúp dân dẹp loạn trả thù mình
Chị rủ cùng em kết nghĩa binh
Tô Định bay hồn vang một trận
Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành.
Mới dày bảo vị gia ơn trọng
Đã đội hoa quan xuống phúc lành
Còn nước, còn non, còn miếu mạo
Nữ trung đệ nhất đấng tài danh”.


Vua Tự Đức đã đề cập về hai vị nữ anh thư: “Hai Bà Trưng là khách quần thoa, thế mà lóng hăng việc nghĩa, còn làm rung động được triều đình nhà Hán! Dẫu thế lực yếu, thời vận ngửa nghiêng, cũng đủ dấy dức lòng người, rỡ ràng sử sách...”

Đây là hai vị nữ lưu đầu tiên trong lịch sử nước nhà đã dấy lên ngọn cờ khởi nghĩa, chống trả ách xâm lược của Bắc Phương.

Sau ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, đất nước lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai kéo dài đến 5 thế kỷ (43-544).


Vương Trùng Dương


Tướng lĩnh của Hai Bà Trưng

Theo nhiều nguồn tài liệu, thì hai bà có đến hơn bảy chục tướng lĩnh, trong đó có nhiều thủ lĩnh các nghĩa quân địa phương, hiện còn nhiều đền thờ lập thành hoàng làng ở miền Bắc. Đặc biệt, trong số này có nhiều nữ tướng lĩnh[9].

  • Ngoài ra còn có thủ lĩnh của nhân dân Tày, Nùng, Choang(Quảng Tây) lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa của hai bà.