Tuesday, July 20, 2010

THẾ GIỚI VÕ HIỆP - HƯ VÀ THỰC

Học chuyện xưa để nghiệm chuyện nay

THẾ GIỚI VÕ HIỆP - HƯ VÀ THỰC
Bí mật Cửu âm chân kinh

Hư và thực cứ bàng bạc, biến ảo đa đoan với các nhân vật, sự kiện, bí kíp võ công... trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung như chính những chiêu thức võ công mà ông hư cấu

Cuối tháng 4-2010, tại núi Oa Hình, xã Hứa Phường, huyện Sùng Nhân - Giang Tây, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện một ngôi mộ cổ. Căn cứ vào việc phục dựng bia mộ đã hư hại cùng các cổ vật thu nhặt được, các nhà khảo cổ xác định chủ nhân ngôi mộ này chính là Hoàng Thường - nhà chính trị, triết học, văn học nổi tiếng đời Tống.
Thông tin này lập tức gây sốt dư luận ở Trung Quốc. Điều mà hầu hết mọi người đều quan tâm là Hoàng Thường có đúng là tác giả Cửu âm chân kinh, bí kíp tuyệt học võ công mà Kim Dung đã viết hay không?
Sóng gió võ lâm
Trong Xạ điêu anh hùng truyện viết năm 1957, Kim Dung nói về xuất xứ của Cửu âm chân kinh như sau: Tương truyền Đạt Ma sư tổ của phái Thiếu Lâm lúc mới từ Tây Trúc sang Trung Quốc đã giao chiến với nhiều võ sĩ trung thổ và có thắng, có bại. Sau đó, ông lui về ở ẩn, quay mặt vào tường suốt 9 năm, thấu triệt được các tinh hoa võ học rồi viết thành bộ Cửu âm chân kinh.
Tuy nhiên, trong bản mới đã được sửa chữa, Kim Dung mượn lời Lão Ngoan đồng Châu Bá Thông, sư đệ Vương Trùng Dương - giáo chủ Toàn Chân giáo, cho rằng bí kíp Cửu âm chân kinh là do Hoàng Thường viết. Theo đó, Hoàng Thường là một vị quan “thế ngoại cao nhân”.
Thời Bắc Tống, hoàng đế Huy Tông hạ chiếu tập hợp tất cả di thư của đạo gia trong thiên hạ để làm bộ Vạn thọ Đạo tạng và Hoàng Thường phụ trách trông coi việc khắc in. Vì sợ khắc lầm chữ sẽ bị tội khi quân nên ông đã dồn hết tâm trí để đối chiếu cẩn thận từng câu chữ. Dần dần, Hoàng Thường trở nên tinh thông Đạo học, ngộ ra được tầng sâu của võ công. Ông theo đó tu luyện cả nội - ngoại công, trở thành cao thủ.
Về sau, vua Huy Tông phái Hoàng Thường đem binh đi tiêu diệt Ma giáo (Minh giáo). Ông đánh bại nhiều cao thủ nhưng bị trọng thương phải đi trốn. Ở nơi núi hoang, Hoàng Thường nhớ lại những chiêu thức võ công của các địch thủ để tìm cách phá giải. Hơn 40 năm sau, khi đã triệt ngộ, ông muốn hạ sơn báo thù thì kẻ thù xưa đã qua đời hết. Hoàng Thường bèn đem những công phu thượng thừa của các môn phái viết thành Cửu âm chân kinh.


Bức họa Hoàng Thường...

Thời gian trôi qua với bao biến đổi, tranh đoạt, Cửu âm chân kinh thất lạc và cuối cùng được Vương Trùng Dương tìm được. Tại cuộc “Hoa Sơn luận kiếm” lần thứ nhất, ông chiến thắng cả Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế, trở thành đệ nhất cao thủ trong “võ lâm ngũ bá” và được giữ bí kíp này, sau đó truyền cho sư đệ Châu Bá Thông.
Đông Tà Hoàng Dược Sư dùng mưu, cho vợ đọc thuộc Cửu âm chân kinh rồi về chép lại. Đệ tử của ông là Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong lén trộm rồi học được phần sau của bí kíp này. Do không hiểu đạo học, hai người chỉ luyện thành vài môn độc hiểm, như: “Cửu âm bạch cốt trảo” và “Thôi tâm chưởng” nhưng cũng đủ gây sóng gió giang hồ.
Về sau, Châu Bá Thông truyền Cửu âm chân kinh cho Quách Tĩnh. Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Kim Dung viết rằng Hoàng Dung, con gái Đông Tà và là vợ Quách Tĩnh, khi biết thành Tương Dương không thể chống chọi nổi quân Mông Cổ bèn bí mật đúc kiếm Ỷ Thiên để giấu Cửu âm chân kinh cùng Hàng long thập bát chưởng - môn võ công tuyệt học của Bắc Cái Hồng Thất Công. Cùng lúc, Hoàng Dung cũng đúc đao Đồ Long để giấu bộ binh thư tuyệt học Vũ Mục di thư. Đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên cũng gây bao sóng gió trên võ lâm và cuối cùng, bí kíp Cửu âm chân kinh đã về tay giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ...
Cửu âm chân kinh có thật?

Đời Tống còn có vị quan Hoàng Thường khác (1146 - 1194) ở Tứ Xuyên, rất giỏi thiên văn, địa lý. Ông đã đem hết tâm lực vẽ 8 bức họa đồ dâng vua. Hiện 6 bức đã thất lạc, chỉ còn 2 bức Thiên văn đồ và Địa lý đồ, được xem là kỳ trân của ngành thiên văn và địa lý học thế giới.

Theo Tống sử, Hoàng Thường (khoảng 1043 - 1130) là người Nam Bình - Phúc Kiến. Ông đỗ tiến sĩ đệ nhất đời Tống Thần Tông (1072), làm quan đến chức Đoan Minh điện đại học sĩ - Lễ Bộ thượng thư. Hoàng Thường ham thích đạo thuật, được vua Tống Huy Tông ủy thác phụ trách việc khắc in bộ Chính Hòa vạn thọ Đạo tạng trong 8 năm. Sau khi qua đời, Hoàng Thường được truy tặng hàm thái phó. Hoàng Thường giỏi về thi từ, “thơ văn tiêu sái, ngôn từ diễm lệ, như xuân thủy bích ngọc, khiến người ta mê say, thưởng thức không biết chán” - một học giả đời sau nhật xét.
Dựa vào Tống sử, nếu theo Kim Dung thì lúc được vua ủy thác trông coi khắc in Vạn thọ Đạo tạng, Hoàng Thường khoảng 70 tuổi, ngộ võ công khi đã 80 tuổi. Lại thêm hơn 40 năm nữa nghiên cứu võ học để viết thành Cửu âm chân kinh, như vậy Hoàng Thường thọ ngót 120 tuổi? Tuy nhiên, tiểu thuyết là tiểu thuyết, còn lịch sử là lịch sử.
Dù vậy, dư luận vẫn hết sức phấn khích khi chính ông Dương Dược Hùng, Chủ nhiệm Văn phòng Điều tra - Tìm kiếm văn vật huyện Sùng Nhân - Giang Tây, người trực tiếp khảo sát khu mộ Hoàng Thường, đã khẳng định căn cứ vào những tư liệu, sử liệu, bí kíp Cửu âm chân kinh là có thật và tác giả chính là Hoàng Thường!
...và khu mộ của ông vừa được các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện
Theo ông Dương, Hoàng Thường ở vào đời Bắc Tống, trong giai đoạn chống quân Kim và Liêu, vì thế việc luyện tập võ nghệ là rất phổ biến. Hoàng Thường là quan chức cao cấp của triều đình, từng phụ trách khắc in bộ Vạn thọ Đạo tạng, lại có cơ hội tiếp xúc nhiều với các tướng lĩnh, nhân sĩ võ công cao cường. Như vậy, việc ông tập hợp các chiêu thức võ công tâm đắc để biên soạn thành bí kíp là việc rất dễ hiểu. Ông Dương cũng bày tỏ mong muốn được nghe ý kiến của Kim Dung về vấn đề này.

Kỳ tới: Kỳ thư giấu trong đao Đồ Long

THẾ GIỚI VÕ HIỆP - HƯ VÀ THỰC
Kỳ thư trong đao Đồ Long

Nhạc Phi là danh tướng đời Tống, tinh thông binh pháp, võ nghệ siêu quần. Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, đao Đồ Long giấu binh pháp Vũ Mục di thư của ông luôn là mục tiêu tranh đoạt của võ lâm

Như đã nêu ở kỳ trước, trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Kim Dung viết rằng khi thành Tương Dương lâm nguy trước sự uy hiếp của quân Mông Cổ, vợ chồng Hoàng Dung - Quách Tĩnh đã bí mật đúc kiếm Ỷ Thiên giấu bí kíp võ công Cửu âm chân kinh cùng Hàng long thập bát chưởng và đao Đồ Long giấu Vũ Mục di thư của danh tướng Nhạc Phi.
Bộ binh pháp này dạy đủ các phương pháp định mưu, xét việc, tấn công, phòng thủ, luyện quân, khiển tướng, lập trận...
Hậu duệ Nhạc Phi trước ngôi mộ của ông
Tranh đoạt đẫm máu
Trong Anh hùng xạ điêu của Kim Dung, sau khi Nhạc Phi bị giết hại, Vũ Mục di thư được giấu trong kinh đô Lâm An.
Chúa Kim muốn đoạt kỳ thư này để học cách tiêu diệt cả quân Tống và quân Mông Cổ nên nhờ cha con Tây Độc Âu Dương Phong cùng nhiều cao thủ võ lâm truy tìm. Không ngờ, sách đã bị bang chủ Thiết Chưởng bang Thượng Quan Kiếm Nam lấy về giấu ở đỉnh núi Thiết Chưởng.
Về sau, Quách Tĩnh và Hoàng Dung tình cờ phát hiện họa đồ nơi giấu binh thư bèn lên đỉnh Thiết Chưởng lấy Vũ Mục di thư về được.
Nhờ binh thư này mà khi theo Thành Cát Tư Hãn, Quách Tĩnh đã lập được nhiều công lớn. Sau đó, Quách Tĩnh bỏ Mông Cổ về với nhà Tống.
Khi thành Tương Dương lâm nguy, vợ chồng Quách Tĩnh quyết tử thủ, bèn đúc đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên để giấu các bí kíp võ công, binh thư mà mình có được rồi giao cho hai con là Quách Tương và Quách Phá Lỗ cất giữ.
Trải qua nhiều biến động, đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên đều tuyệt tích. Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, khi xuất hiện, đao Đồ Long đã gây nên một trường tranh đoạt đẫm máu giữa các cao thủ và bang phái võ lâm.
Rốt cuộc, đao Đồ Long và bộ Vũ Mục di thư đều về tay giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ. Trương Vô Kỵ không màng thế sự nên giao kỳ thư này cho Từ Đạt, bộ tướng của Chu Nguyên Chương.
Nhờ Vũ Mục di thư, danh tướng Từ Đạt đã góp công lớn giúp Chu Nguyên Chương gồm thâu thiên hạ, lập nên triều Minh.
Vũ Mục di thư hay Nhạc gia quyền phổ?
Nhạc Phi (1103-1142) là người ở Tương Châu - Hà Bắc (nay là TP An Dương - tỉnh Hà Nam). Từ nhỏ, Nhạc Phi đã siêng đọc binh thư, được học võ với danh sư Chu Đồng. Trong Võ lâm ngũ bá, Chu Đồng cũng là thầy dạy võ của Đông Tà Hoàng Dược Sư, như vậy hai người là đồng môn.
Nhạc Phi là người trung can tiết liệt, khi làm tướng đã chỉ huy 126 trận chiến chống quân Kim đều thắng cả, được xưng tụng là “Thường Thắng tướng quân”.
Về sau, vì gian thần hãm hại lại thêm vua Tống Cao Tông đem lòng nghi kỵ, ông bị buộc phải rút quân về rồi bị khép tội. Triều đình đã giết hại ông cùng con trưởng vào năm 1142.
Đến các đời vua Tống sau này, án Nhạc Phi được rửa, ông được truy tặng hiệu Vũ Mục rồi được truy phong là Nhạc Vương. Vì thế, người đời sau thường gọi Nhạc Phi là Nhạc Vũ Mục hay Nhạc Vương. Là danh tướng nhưng ông còn sáng tác những áng thơ, từ độc đáo, được hậu thế xem là “thiên cổ tuyệt xướng”.
Nhạc Phi là người tinh thông binh pháp, võ nghệ siêu quần và là thủy tổ của Nhạc gia quyền. Theo Nhạc thị tông phổ và những nghiên cứu của nhà văn, nhà Nhạc Phi học nổi tiếng Châu Cù Nhai, Vũ Mục di thư mà Kim Dung đề cập chính là bộ Nhạc gia quyền phổ do Nhạc Phi truyền lại đã 800 năm qua, hiện được lưu giữ ở huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc.
Nhạc gia quyền là môn quyền pháp do Nhạc Phi sáng chế và truyền dạy trong đội xung kích chủ lực của quân Tống. Loại quyền này có đặc điểm là đòn đánh ngắn, hiểm, tính xung sát mạnh, hiệu quả chiến đấu rất cao.
Theo Châu Cù Nhai, trước khi bị giết hại, Nhạc Phi đã truyền bí kíp Nhạc gia quyền cho hai người con thứ là Nhạc Chấn và Nhạc Đình.
Sau khi cha chết, sợ bị truy sát, Nhạc Chấn và Nhạc Đình đổi thành họ Ngạc trốn về Hoàng Mai - Hồ Bắc, ngày đêm khổ luyện Nhạc gia quyền chờ ngày báo thù.
Tuy nhiên sau đó, án oan của Nhạc Phi đã được xóa bỏ. Dù vậy, thực hiện di huấn “Tinh trung báo quốc” và tập luyện Nhạc gia quyền đã trở thành phong tục truyền thống bao đời nay của dòng họ này.
Vùng Hoàng Mai trở thành miền đất võ Nhạc gia quyền của Trung Quốc. Theo khảo sát trong Hoàng Mai huyện chí mới đây, trong hơn 600 năm từ đời Tống đến đời Thanh, tại Hoàng Mai có đến trên 300 tiến sĩ võ và cử nhân võ. Hiện nay, chỉ tính riêng vùng _Hồ Bắc cũng đã có đến khoảng 230 vị võ sư Nhạc gia quyền.
Một thuyết khác liên quan đến Vũ Mục di thư là vào cuối đời Minh, có một người tên Cơ Tế Khả tình cờ phát hiện phần sau của bộ Vũ Mục di thư trong một tòa miếu cổ.
Cơ Tế Khả theo đó mà luyện, sau cùng sáng chế ra môn quyền pháp Hình ý quyền nổi tiếng thuộc Nội gia quyền. Cho đến nay, nửa bộ Vũ Mục di thư này vẫn được xem là bảo vật trấn sơn của môn phái Hình ý quyền.

Hiến tặng bản thảo cổ Vũ Mục di thư
Hậu duệ của Nhạc Phi hiện đã truyền đến đời thứ 31, phân bố tại nhiều tỉnh, TP ở Trung Quốc. Truyền nhân Nhạc gia quyền nổi tiếng nhất hiện nay ở Hoàng Mai là võ sư Nhạc Tiến, hậu duệ đời thứ 27 của Nhạc Phi. Từ nhỏ, Nhạc Tiến đã được chân truyền võ công. Năm 1986, tại đại hội võ thuật dân gian toàn Trung Quốc, ông sử dụng Nhạc gia quyền trấn áp quần hùng, đoạt huy chương vàng. Năm 1987, Nhạc Tiến đã hiến tặng bản thảo cổ Vũ Mục di thư từ đời Thanh cho Nhà nước Trung Quốc và được thưởng 300 nhân dân tệ.
Theo Nhạc Tiến, nội dung trong Vũ Mục di thư dạy về quyền và binh khí. Ngoài 10 bài quyền chính và phân thế cụ thể, di thư này còn có các phần quyền luận, thuật vận khí, thuật điểm huyệt, giải huyệt, cứu thương, trật đả..., nội dung rất phong phú, tính thực dụng cao.

Kỳ tới: Vương Trùng Dương lập giáo

THƯỢNG VĂN
THẾ GIỚI VÕ HIỆP - HƯ VÀ THỰC
Vương Trùng Dương lập giáo

Với quan niệm xuyên suốt “thiên ngoại hữu thiên” (ngoài trời còn có trời), trong thế giới võ hiệp của Kim Dung, không ai có võ công vô địch thiên hạ. Song, giáo chủ Toàn Chân giáo Vương Trùng Dương là một ngoại lệ

Cuối năm 2009 vừa qua, tại Trùng Dương cung ở huyện Lư, tỉnh Thiểm Tây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc đã long trọng cử hành đại lễ cung táng (đặt lại) linh cữu tổ sư Toàn Chân giáo Vương Trùng Dương.
Trước đó, vào thời kỳ “cách mạng văn hóa”, mộ của ông bị đào lên, hài cốt vứt lăn lóc ra ngoài. Một người dân địa phương thấy bất nhẫn bèn lén thu nhặt hài cốt Vương Trùng Dương đem an táng.

Bức họa Vương Trùng Dương và Toàn Chân thất tử


Võ công cái thế

Trong Xạ điêu anh hùng truyện và Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung, Vương Trùng Dương tuy là một đạo sĩ xa lánh hồng trần, sống ẩn dật với cỏ cây nhưng thấy cảnh người dân điêu đứng lầm than vì quân Kim xâm lược, ông đã nhập thế để cứu độ chúng sinh, lãnh đạo nhân dân đứng lên chống giặc. Các đệ tử của ông trong Toàn Chân thất tử cũng thế.
Toàn Chân giáo là một chi phái lớn và quan trọng nhất của Đạo giáo Trung Hoa, thành lập từ thế kỷ XII và lưu truyền đến nay.
Điểm đặc sắc của Toàn Chân giáo là kết hợp phương pháp tu luyện của cả Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo, hình thành nên hệ thống hành đạo, tu thân, dưỡng tính, dưỡng sinh độc đáo.
Vương Trùng Dương là tổ sư khai sơn của Toàn Chân giáo. Kim Dung đã rất trân trọng khi viết về Vương và các đệ tử của ông. Với quan niệm xuyên suốt “thiên ngoại hữu thiên” (ngoài trời còn có trời), trong thế giới võ hiệp của Kim Dung, không ai có võ công vô địch thiên hạ.
Tuy nhiên, giáo chủ Toàn Chân giáo Vương Trùng Dương là một ngoại lệ. Qua ngòi bút của Kim Dung, người ta biết đến Vương Trùng Dương không chỉ là một anh hùng dân tộc chống quân Kim mà còn là một Trung Thần Thông võ công cái thế, đứng đầu “ngũ bá” - trên Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái.
Từ quan, hành đạo
Vương Trùng Dương (1112-1170) tên thật là Trung Phu, người Hàm Dương - Kinh Triệu (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây). Vương xuất thân trong một gia đình giàu có, học hành tử tế, giỏi cả văn chương và võ nghệ, tính tình hào sảng, từng thi đậu cử nhân văn (có thuyết nói là tiến sĩ) và cử nhân võ. Năm 47 tuổi, do bất đắc chí chốn quan trường, ông khẳng khái từ quan.
Vương về quê ẩn cư chốn sơn lâm, học theo Lão Trang, suốt ngày uống rượu, hành vi phóng túng, ăn nói ngông cuồng, xưng là “Hại Phong” (gã khùng điên).
Do yêu mến ẩn sĩ Đào Uyên Minh (Đào Tiềm) đời Tấn nên ông đổi hiệu là Tri Minh, lại giống Đào Tiềm thích hoa cúc - mà cúc nở vào tiết trùng dương - nên lấy đạo hiệu Trùng Dương Tử.
Năm 1161, Vương Trùng Dương bỏ nhà cửa, lên núi Chung Nam đào một mộ huyệt và ở trong đó tu luyện, gọi là “Hoạt tử nhân mộ”, phía trên lập bia ghi Vương Hại Phong chi mộ - mộ của gã khùng điên họ Vương.
Năm 1167, ông đốt lều cỏ, cầm bình bát đi vân du hành đạo. Khi đến vùng Ninh Hải thuộc bán đảo Sơn Đông, Vương Trùng Dương lập am Toàn Chân, thu nạp 7 đại đệ tử đầu tiên của Toàn Chân giáo và gọi là Toàn Chân thất tử. Tín đồ theo ông rất đông, hình thành Bắc tông Đạo giáo, vị thế ngày càng lớn mạnh.
Vương Trùng Dương truyền đạo trong 3 năm rồi dẫn 4 đệ tử trở về Quan Trung, khi đến Khai Phong - Hà Nam thì chết. Các đệ tử an táng thầy ở núi Chung Nam, nay thuộc huyện Lư - Thiểm Tây. Nơi đây được xem là tổ đình của Toàn Chân giáo.
Chủ trương tam giáo hợp nhất
Vương Trùng Dương tài kiêm văn võ, xuất khẩu thành thơ, thường dùng thơ, từ làm phương tiện khuyến dụ, giảng đạo. Sau khi ông mất, các đệ tử sưu tập hơn 1.000 bài thơ, văn của thầy, soạn thành Toàn Chân tập. Ngoài ra, ông còn để lại Trùng Dương lập giáo thập ngũ luận, Trùng Dương giáo hóa tập, Phân lê thập hóa tập...
Vương Trùng Dương chủ trương tam giáo hợp nhất - Nho, Phật và Đạo bình đẳng, cho rằng “tam giáo xưa nay vốn một tổ”.
Vì thế, Toàn Chân giáo lấy ba bộ Hiếu kinh của Nho giáo, Bát nhã ba la mật đa tâm kinh của Phật giáo và Đạo đức kinh của Đạo giáo làm kinh điển bắt buộc phải học.
“Toàn chân” nghĩa là phải bảo toàn “tam bảo” - toàn tinh, toàn khí và toàn thần - không được để tư dục làm hư hao, tổn hại, từ đó mới trường sinh. Toàn Chân giáo yêu cầu mọi giáo đồ phải xuất gia học đạo, cực lực phản đối thuật ngoại đan (đan dược luyện từ kim loại, khoáng vật) và bùa chú; kế thừa thuật nội đan (đạo dẫn, hành khí, phục khí...).
Nguyên tắc hành đạo của Toàn Chân giáo là “khổ ta lợi người”, “lợi ta lợi người”, chú trọng hai chữ “thanh tĩnh”. Giáo phái này yêu cầu giáo đồ phải khắc kỷ nhẫn nhục, thanh tu khổ hạnh, ăn chay nằm đất, không vợ, không con...
Ảnh hưởng của Vương Trùng Dương và Toàn Chân giáo tại hai triều ngoại bang Kim và Nguyên rất lớn, được chính quyền lúc ấy hết sức ủng hộ.
Toàn Chân giáo được xem là quốc giáo, trung tâm hoạt động được đặt ở kinh đô Yên Kinh (nay là Bắc Kinh), còn Vương Trùng Dương được Nguyên Thế Tổ sắc phong là Trùng Dương Toàn Chân khai hóa chân quân năm 1269, sau đó, được gia phong là Trùng Dương Toàn Chân khai hóa phụ cực đế quân năm 1310, uy thế rất hiển hách.
Lập 7 chi phái
Kế thừa di chí Vương Trùng Dương, Toàn Chân thất tử - 7 đại đệ tử của ông - lần lượt nối ngôi giáo chủ Toàn Chân giáo để hành đạo.

Sau đó, mỗi người lại lập thành một chi phái: Mã Ngọc (đạo hiệu Đan Dương Tử) lập Ngộ Tiên phái, Đàm Xứ Đoan (Trường Chân Tử) lập Nam Vô phái, Lưu Xứ Huyền (Trường Sinh Tử) lập Tùy Sơn phái, Khưu Xứ Cơ (Trường Xuân Tử) lập Long Môn phái, Vương Xứ Nhất (Ngọc Dương Tử) lập Du Sơn phái, Hách Đại Thông (Quảng Ninh Tử) lập Hoa Sơn phái và Tôn Bất Nhị (Thanh Tĩnh tán nhân) lập Thanh Tĩnh phái.

Kỳ tới: Cao thủ võ lâm trong lịch sử

THƯỢNG VĂN