TÌM ĐẾN PHÍA TRƯỚC CỦA CON ĐƯỜNG
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất
Ăn tết no rồi, ra ngoài mùng (hay mồng) tôi mới tính khai bút trở lại. Đang túng đề tài thì vớ được bài viết của ông Lữ Giang có tựa đề là “Phía trước một con đường”. Đọc thấy hay hay, tôi bèn vạch cây mở lối, thử lần theo dấu vết ông Lữ Giang chỉ, xem ở phía đàng trước con đường là cái gì. Nhưng thất vọng quá, đó chỉ là một trái núi to sừng sững đứng chắn, thành ra con đường bị bít lối, chẳng thấy được cái gì cả.
Con Đường Duy Nhất Hay Luận Điểm Của Ông Lữ Giang
Theo ông Lữ Giang, “Phía trước một con đường” là tiêu đề của một bài viết đăng trên trang Web “hayyeuthuongnhau.org” của Lm Nguyễn Bá Thông. Tác giả của bài viết ký tên là Tư Cua An Thới Đông. Chúng tôi vào trang Web của cha Thông để mong được đọc bài viết này, nhưng rất tiếc đã không tìm ra. Do đó chúng tôi không biết cái tựa đề “Phía trước một con đường” là của tác giả Tư Cua đặt cho bài viết của mình, hay của ông Lữ Giang. Bài viết của ông Lữ Giang mà chúng tôi đọc được cũng mang cái tựa đề đó. Trong bài viết, ông Lữ Giang mượn bối cảnh của một vùng quê nghèo nàn có tên là An Thới Đông mà tác giả Tư Cua mô tả trong bài viết của ông, để nêu lên luận điểm cho rằng: muốn làm cho người dân An Thới Đông hết nghèo, chỉ có một con đường duy nhất là nâng cao dân trí và nhận thức cho xã nghèo.
Người dân An Thới Đông nghèo tới mức nào, chúng tôi xin tóm lược sự mô tả của tác giả Tư Cua như sau.
An Thới Đông là một xã của huyện Cần Giờ, nay thuộc Sài Gòn, cách trung tâm thành phố khoảng 50 cây số về phía đông nam. Huyện Cần Giờ hiện nay có diện tích 714 cây số vuông với dân số là 68.213 người, bao gồm thị trấn Cần Thạnh và 6 xã: Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Long Hòa và Thạnh An. Đây là huyện có tổng sản lượng (GDP) thấp nhất của thành phố. Trải qua nhiều chế độ nhưng cuộc sống của người dân An Thới Đông vẫn chẳng có gì thay đổi. Họ chẳng hề nghĩ đến tự do, dân chủ hay nhân quyền, và cũng chẵng bao giờ đòi giải phóng quê hương, họ chỉ lo miếng ăn. Người dân vùng ven biển này sống nhờ vào con tôm con cá, nhưng thực tế bi đát hơn người ta tưởng nhiều. Nuôi tôm từ lỗ đến trắng tay. Bà con cầm sổ đỏ ở ngân hàng hết 10 tỷ đồng. Sau 10 năm, số nợ vọt lên con số 50 tỷ. Nhìn vào con số nợ mới biết thật sự bà con An Thới Đông thoát nghèo hay càng nghèo thêm. Từ cái nghèo, con cái bị thất học. May mắn lắm leo được đến cấp 3, học sinh phải lọ mọ thức dậy từ lúc trời chưa đỏ, về đến nhà thì nhà đã lên đèn. Báo đã không có mà đọc, nói chi đến web, internet. Cái nghèo của người dân An Thới Đông thậm chí còn đi đến chỗ khinh mạn cả trời, đất, thần, Phật. Tác giả Tư Cua viết: “Chẳng cần biết đạo nào ra đạo nào cả, chỉ cần thấy có chút "xôi" có chút "thịt" là mau mắn "quy phục" nhưng khi "xôi" khi "thịt" không còn thì họ chẳng còn mặn mà gì với cái tôn giáo mà mình theo đuổi nữa. Họ đáng thương hơn là đáng trách khi cuộc sống quá nghèo. Có những người một năm theo cả 4 đạo để được hưởng phần của cả 4 kẻo mất phần này hụt phần kia. Họ thích thì họ để bàn thờ lên và khi không còn thích nữa thì nhờ "các đấng, các bậc" gỡ bàn thờ xuống đem về "trụ sở" chính của bổn đạo.” Thành ra người dân nghèo An Thới Đông cũng chẳng có tôn giáo, họ theo đạo và đổi đạo như thay áo để có gạo mà ăn thôi.
Nhân cơ hội trở lại An Thới Đông, đi trên con đường dẫn vào xã mới được mở rộng, tác giả Tư Cua có dịp quan sát và suy nghĩ, mới đặt ra vấn đề giải quyết nạn nghèo đói của các vùng quê mùa hẻo lánh mà An Thới Đông là một tiêu biểu, ông viết: “Con đường bằng đất bằng đá An Thới Đông thật sự đã rộng mở nhưng con đường phía trước của tri thức, của con người ở An Thới Đông hình như nó vẫn còn thăm thẳm một đoạn dài thật dài. Muốn con đường phía trước của con người gần hơn và sáng hơn chỉ có một con đường duy nhất là nâng cao dân trí và nhận thức cho xã nghèo. Không thể nào cứ mãi dựa vào cái kém may mắn của ông bà cha mẹ mà để cho thế hệ tương lai vẫn mãi mù tịt.”
Như vậy, luận điểm ông Lữ Giang nêu trên cũng chỉ là nhai lại những ý tưởng của tác giả Tư Cua. Điểm khác biệt ở chỗ là ông Lữ Giang đã nêu lên làm biện chứng cả Liên Hiệp Quốc, Giáo Hội CG và một vài cá nhân nữa cùng đồng quan điểm với ông. Như người ta biết, quả thật tổ chức Liên Hiệp Quốc có chủ trương nâng cao giáo dục tại các nước kém mở mang để phát triển dân sinh. Đó là một trong 3 mục tiêu chiến lược của LHQ trong thiên niên kỷ 2100. Và như ông Lữ Giang chỉ ra, thì Giáo Hội Công Giáo cũng dấn thân tích cực vào con đường đó của LHQ. Các trường hợp dẫn chứng là GH Ấn Độ và HY Phạm Minh Mẫn. Ông Lữ Giang không giải thích cụ thể, nhưng xem ra cái được gọi là diễn tiến hòa bình của Mỹ, theo cách nói xa nói gần quen thuộc của ông, cũng đi theo chiều hương đó. Hiểu theo ý của ông, thì dân biểu Cao Quang Ánh cũng là người của nhà nước Hoa Kỳ thực thi đường lối chính sách của LHQ áp dụng tại VN.
Chính Sách Chứ Không Phải Giáo Dục
Tác giả Tư Cua viết và đươc ông Lữ Giang thuật lại như sau: “Tính từ thời Pháp thuộc, qua thời VNCH “tự do dân chủ” đến thời Xã Hội Chủ Nghĩa “độc lập tự do hạnh phúc”, cuộc sống của người dân An Thới Đông vẫn vậy, gần như chẳng có gì thay đổi. Họ chẳng hề nghĩ đến tự do, dân chủ hay nhân quyền, và cũng chẵng bao giờ đòi “giải phóng quê hương”, họ chỉ lo miếng ăn.” Xem như vậy thì chủ đích việc phát triển giáo dục của ông Lữ Giang là chỉ để làm cho người dân được no cái bụng mà thôi. Cái bụng no trước đã. Tự do, dân chủ, và nhân quyền có hay không có, không thành vấn đề. Lập luận của ông Lữ Giang ở đây khác xa với lập luận của DB Cao Quang Ánh mà ông đã không tiếc lời ca tụng. DB Ánh cho rằng giáo dục nâng cao dân trí, làm cho ý thức về các quyền tự do dân chủ được nâng cao, và cuối cùng người dân thoát đưọc ách độc tài CS. Bọn VGCS hiểu như thế, nên chúng gọi nó là đường lối “diễn biến hòa bình”, và cũng tuyên bố chống lại cung cách chống cộng này. Thế nhưng quan điểm của DB Cao Quang Ánh đã bị bài viết của một tác giả ký tên là “Người dân trong nước” phản bác. Tác giả này dám thách đố DB Cao Quang Ánh và yêu cầu ông Ánh trả lời: “Xin ông hãy chứng minh cho tôi thấy luận đề khoa học là: khi hệ thống giáo dục VN phát triển thì kéo theo nên tự do, dân chủ, và nhân quyền sẽ được phát triển theo. Xin ông nêu lên các mối liên kết chặt chẽ giữa nền giáo dục phát triển và dân chủ, tự do, nhân quyền.” “Người dân trong nước” còn khẳng định thêm: “Hoàn toàn không có mối liên hệ biện chứng nào giữa hai vế của mệnh đề: giáo dục phát triển kéo theo nhân quyền được cải thiện.”
Không thấy DB Cao Quang Ánh phản biện, nhưng sự thật thì chưa có ai chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa giáo dục và tự do, dân chủ, và nhân quyền. Càng không bao giờ chứng minh được liên hệ giữa giáo dục với việc làm cho cái bụng hết đói. 5 thế kỷ trước Chúa ra đời, Khổng Tử đã lấy cái học để dậy dân Tầu. Nhiều người khác tiếp theo Khổng Tử như Lão Tử, Mạnh Tử v.v., nhưng người dân Trung Hoa vẫn coi Hoàng Đế là một ông trời con, chứ chẳng thấy tự do, dân chủ đâu cả, và nước Tầu vẫn là một nước nghèo mạt rệp cho mãi đến gần đây. Hay như nước Pháp là một nước có một nền văn hóa, nghệ thuật sáng chói. Nhưng Pháp vẫn không phải là quốc gia giầu có và hùng mạnh tương xứng. Ngược lại, nước Mỹ là một quốc gia non trẻ, nhưng đứng đầu thế giới về các trường đại học danh tiếng, giầu có và hùng mạnh nhất thế giới hiện nay. Nước Tầu cổ có một nền giáo dục tốt lắm chứ. Và nước Pháp ai bảo là không chú trọng vào việc học. Còn VN, đảng và nhà nước CS đã gởi hàng trăm ngàn sinh viên đi du học. Trong nước trường học cũng không thiếu. Hơn nữa, VGCS còn cưỡng bách toàn dân học tập đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh năm này qua năm khác. Như thế VGCS cũng chú trọng việc giáo dục chứ đâu phải không. Thế mà đã gần nửa thế kỷ rồi kể từ ngày thống nhất đất nước, vẫn còn một An Thới Đông nguyên trạng từ thời rất xa xưa. Con em họ, có đứa cũng đã học lên tới cấp 3, nhưng nói chung, mọi người cái bụng vẫn đói; tự do, dân chủ được kể như những chuyện trên trời. Không phải một, mà chắc chắn còn hàng ngàn, hàng vạn An Thới Đông khác nữa. Câu hỏi đặt ra là tại sao? Và như vậy thì hẳn nhiên không thể khẳng định được rằng giáo dục có thể làm nên tất cả. Hay nói cách khác, cứ xây trường, mở lớp đi, tất nhiên cái bụng sẽ no, và sẽ có tự do, dân chủ, nhân quyền ngay tức khắc.
Giáo dục là phương cách thúc đẩy sự thăng tiến đời sống con người. Đúng. Nhưng thành quả của một nền giáo dục còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện khác, thứ nhất là phương hướng của nền giáo dục, và thứ hai quan trọng hơn, là chế độ chính trị điều hành nền giáo dục kia nữa. Nước Tầu phong kiến chỉ chú trọng giáo dục đạo đức cho dân chúng. Người dân có đạo đức, gia đình sẽ an vui hạnh phúc, trật tự xã hội được củng cố, và chế độ được bền vững. Học thuyết của Khổng Tử là triết lý bảo quốc của các triều đại phong kiến Tầu. Trong khi đó, các ông vua Pháp lại muốn dậy dân phát huy nền văn hóa nghệ thuật làm cho nước Pháp trở thành một quốc gia văn hóa cao. Nước Mỹ có tham vọng trở thành một quốc gia vừa giầu tiền của, vừa hùng mạnh về quân sự, nên hướng theo lối giáo dục thực dụng. Trường học dậy học trò cách làm tiền, và chú tâm áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong giảng dậy.
Còn như ở VN, bọn VGCS có lẽ cũng muốn dân giầu nước mạnh, nhưng cái cơ chế đã không cho phép làm được điều đó. Hãy cứ lấy cái xã An Thới Đông làm thí dụ. Hồng Y Mẫn hay linh mục Thông dù có muốn lắm cũng không thể tự tiện về đó mở trường dậy học cho bổn đạo được. Ngay trong chủng viện của ông Hồng Y, dù ông có muốn bỏ đi việc giảng dậy môn triết học Marxit và lịch sử đảng CS, nhưng việc giữ hay bỏ đi các môn học đó không thuộc quyền của ông, cho dù chủng viện là của ông. Vậy thì ông cũng chẳng nên mơ ước viển vông làm gì. Ở cái xứ đạo nghèo An Thới Đông, bất quá ông được phép dậy kinh bổn cho giáo dân thôi, chứ làm gì có chuyện ông muốn giáo dục dân cái này cái khác tùy ý được. Lm Nguyễn Bá Thông cũng vậy, chủ trương và hành động của ông tốt và đáng khen thật đấy, nhưng ông thật sự đang làm công việc của một con dã tràng, không sai. Năm thì mười họa ông mới về thăm An Thới Đông một lần, vì còn hàng ngàn, hàng vạn An Thới Đông khác nữa chứ, đâu phải chỉ có một thôi sao. Ông về đó dậy dân được cái gì để làm cho dân bớt nghèo? Việc bác ái của ông thì cũng chỉ có giới hạn. Ông cho họ được cái gì, ngoài mấy gói mì, năm mười ký gạo, và một ít quần áo cũ. Ông không có sức nuôi họ được cả đời, mà chỉ giúp họ tạm no bụng được trong chốc lát. Cái có khả năng làm cho cuộc đời người dân nghèo An Thới Đông hết đói, hết rách là một chính sách công bằng và hợp lý chứ không phải giáo dục. Giáo dục chỉ là phương tiện. Và người có thể làm được việc đó là đảng VGCS. Ông linh mục chỉ có bổn phận tương thân và liên đới, còn trách nhiệm làm cho người dân được ăn no, mặc ấm suốt đời là thuộc giới nắm quyền hành chính trị. Ông Lữ Giang viết: “Chúng tôi rất mừng khi thấy nhiều cá nhân và đoàn thể của người Việt hải ngoại đang đi theo Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc để làm cho đất nước ngày càng tươi sáng hơn.” hoàn toàn chỉ là khoa trương, viển vông và có ẩn ý xấu. Ẩn ý gì thì chúng tôi sẽ bàn đến sau.
Nguyên Nhân Của Cái Nghèo An Thới Đông
Người ta phải lấy làm lạ và tự hỏi, không hiểu làm sao tại Cần Giờ lại có một cái xã nghèo xác nghèo xơ như tác giả Tư Cua mô tả, một huyện ngay bên cạnh Saigon, trước kia được kể là trù phú như thế. Cần Giờ không phải là huyện giầu như Cái Răng, Cần Thơ, hay như Hồng Ngự, Châu Đốc chẳng hạn. Nhưng trưóc đây dứt khoát An Thới Đông không nghèo đến thế, và không thể có nơi nào nghèo như tác giả Tư Cua viết. Thời VNCH, vì ở gần Saigin, người Cần Giờ đã hấp thụ văn minh thành phố khá nhiều rồi, chứ không phải thất học, quê mùa lắm. Dân chúng ở đây thường làm hai nghề là trồng cây ăn trái và nghề cá. Mò cua bắt ốc là việc làm kiếm ăn xa xưa lắm rồi. Đến thời Đệ Nhất VNCH, người dân đã biết sắm ghe cào để cào hào, bắt cua, bắt tôm ở ven biển. Sang thời Đệ Nhị VNCH, có gia đình đã sắm tầu đánh cá ngoài khơi. Con cái có khả năng lên Saigon học. Hầu như không gia đình nào không có xe gắn máy. Cái xã An Thới Đông nghèo quá cỡ thợ mộc như tác giả Tư Cua mô tả nếu thật như thế, thì tức là đã chỉ “xuống cấp” từ khi giặc Cờ Đỏ tràn về mà thôi. Sự thể có thể được giải thích không khó khăn lắm.
Khắp cả nước, chứ không riêng gì An Thới Đông, với những chính sách thất sách như đổi tiền, đánh tư sản, hợp tác xã v.v. của bọn xâm lược thì người dân miền Nam không trở thành khố rách áo ôm mới là chuyện lạ. An Thới Đông hiển nhiên cũng là nạn nhân như mọi nạn nhân khác trong cả nước. Một điều chắc chắn là người dân An Thới Đông không phải là hạng ngưòi ngu dốt, cam chịu nghèo đói, và đổ cho tại số trời. Vào cái thời được gọi là “mở cửa” mà họ đã biết xẻ ruộng, đào hồ nuôi tôm thì đủ biết người dân ở đây đã biết kinh doanh để làm giầu, chứ không phải đợi có ai ở đâu đến dậy dỗ mới biết đường làm cho cái bụng được no. Nuôi tôm là một nghề kinh doanh dễ kiếm ăn, nếu áp dụng đúng kỹ thuật. Người dân An Thới Đông cho dù kinh doanh cái nghề hợp thời và có lợi tức khá như thế, nhưng càng ngày càng nghèo đi vì lý do gì thì chính tác giả Tư Cua đã nhìn thấy, chỉ không chịu hiểu thôi. Ông viết: “cách đây 10 năm thì bà con xã nghèo này "cắm" sổ đỏ ở Ngân Hàng hết 10 tỷ đồng và sau 10 năm thì số nợ ấy lên con số 50.” Thời gian càng ngày càng dài ra, và dĩ nhiên, số nợ ngân hàng cũng càng ngày càng trương phồng lên. Có lẽ hết đời người cha là cùng, người con sẽ trở thành homeless, vì nhà bank xiết nhà. Nhiều gia đình nuôi tôm, nuôi cá ở đồng bằng sông Cửu Long đã bị mất nhà, vì nợ nhà bank càng ngày càng chồng chất, và không trả nổi.
Hơn thế nữa, lại còn bị cái nạn ép giá của con buôn. Các nhà xuất khẩu tôm đông lạnh đều thuộc giới COCC (con ông cháu cha) dòng tộc tư bản đỏ. Người dân sản xuất tôm phải bán theo giá định sẵn của người mua thì còn gì để ăn. Bỏ một đống tiền vay ngân hàng ra kinh doanh, mưa nắng, cực khổ chưa nói đến, ngưòi dân An Thới Đông kiếm được đủ hai bữa hằng ngày đã là may. Lợi tức từ con tôm đem lại hầu hết đều chạy vào nhà bank, và cái két bạc của bọn tư bản đỏ xuất khẩu tôm. Một hiện tượng nghịch lý, người dân Nam Kỳ ai cũng trông thấy, là các nhà xuất khẩu tôm càng ngày càng giầu sụ, trong khi đó, người nuôi tôm càng ngày càng nghèo đi. Sau một đời nuôi tôm của người cha, người con trở nên vô sản và vô gia cư, biến thành người làm công cho các chủ hồ tôm mới là bọn COCC tư bản đỏ. Đó là một cái vòng luôn hồi vô sản/tư bản khép kín. Karl Marx chết rồi, chứ nếu còn sống, ông lại phải mất công xướng suất một cuộc cách mạng vô sản khác nữa.
Như vậy là đã thấy rõ, người dân An Thới Đông nghèo không phải vì họ ngu dốt, hay vì thất học. Nguyên nhân là tại cái cơ chế, nói cho minh bạch hơn, là tại chính sách bóc lột quá tàn nhẫn của bọn tư bản đỏ đối với người nông dân. Đã thế thì cho dù ông Tư Cua, ông Lữ Giang, HY Phạm Minh Mẫn, Lm Nguyễn Bá Thông, DB Cao Quang Ánh, hay cả đến Liên Hiệp Quốc có mời các giáo sư hàng đầu của tất cả các đại học danh tiếng trên thế giới như Oxford, Sorbonne, Stanford, MIT, Harvard, Princeton, Loyola v.v. đi nữa về dậy dỗ cho người dân An Thới Đông cũng chỉ là vô ích. Vẫn cứ cái chế độ này, cái guồng máy này, bọn ác nhân này cầm quyền này, người ta có nhét cả hàng bồ chữ vào đầu người dân An Thới Đông cũng chẳng làm cho họ no cái bụng được.
Thâm Ý Của Ông Lữ Giang
Bài viết “Phía trước một con đường” của ông Lữ Giang có thể được chia ra làm 2 phần. Phần trên ông đưa ra luận điểm và trích dẫn bài của tác giả Tư Cua mô tả về cái nghèo của An Thới Đông. Phần dưới ông nêu tên tuổi một số tổ chức và cá nhân có quan điểm và chủ trương dùng giáo dục thăng tiến dân sinh để bảo vệ luân điểm của mình.
Trước hết, cũng cần nói rằng, giáo dục để nâng cao dân trí, phát triển dân sinh là một chủ trương hợp lý và chính đáng. Không có gì sai quấy cả. Nhưng nó chỉ hợp lý và chính đáng tại những xã hội mà con người được quyền tự do tư tưởng, và tự do hành động. Ngược lại, tại những xã hội khép kín, quyền tự do bị cấm đoán, thì giáo dục thôi đã chẳng có, làm sao mà nâng cao dân trí để thăng tiến dân sinh được. Cụ thể là xã An Thới Đông, đố có ai tới đó mở được một lớp học tư nhân dậy văn hóa, xin nhớ, chỉ dậy văn hóa thôi. HY Mẫn chỉ xin mở trường mẫu giáo cho các “ma soeur” dậy cũng còn không được nữa kìa. Hơn nữa, còn đó cả cái guồng máy chuyên chế dùng để chà đạp con người, nô lệ hóa toàn xã hội, thì làm gì có tự do phát triển, tự do vương lên. An Thới Đông vẫn là một thí dụ điển hình, và chúng tôi đã chứng minh ở trên. Vấn đề CS phản tiến hóa đã là kinh nghiệm bản thân của mọi người VN còn lý trí và có lòng yêu nước, có lẽ nên trừ ra ông Lữ Giang và một số đồng bọn.
Trong bài “Phía trước một con đường”, ông Lữ Giang đã dùng cái hợp lý để cổ võ cho cái cái vô lý và ngụy biện của mình. Ông viết: “Chúng tôi rất mừng khi thấy nhiều cá nhân và đoàn thể của người Việt hải ngoại đang đi theo Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc để làm cho đất nước ngày càng tươi sáng hơn.” Ông khuyến khích việc làm từ thiện? Không. Rõ ràng ông đang cổ võ cho một chủ trương hết sức vô lý để nuôi dưỡng một chế độ tàn bạo và phi nhân. Liên Hiệp Quốc đã đổ vào VN bao nhiêu tiền của để xóa đói giảm nghèo. Các nước giầu có giúp cho VGCS bao nhiêu tiền viện trợ không hoàn trả để nâng cao mức sống của người dân. Người tỵ nạn hàng năm gởi về hàng chục tỷ dollars để giúp đồng bào ruột thịt. Thế mà tại sao An Thới Đông lại càng ngày càng nghèo đi? Đảng và nhà nước CS không làm nổi cho người dân bớt nghèo. Những người làm từ thiện tới đó lại có cao vọng làm được cho người dân giầu có. Đó không phải là chuyện vô lý sao? Khối tiền bạc khổng lồ kia chạy đi đâu mà người dân An Thới Đông hàng mấy chục năm rồi vẫn cứ lầm than, cơ cực? Việc làm thiện nguyện của các nhà tôn giáo hay của các người có hằng tâm chỉ là gãi ngứa cho ngưòi dân An Phú Đông, chứ không thể chữa lành chứng bệnh ĐÓI MÃN TÍNH cho họ được. Mọi việc đều không thể giải quyết được vấn đề, trừ khi diệt đi thứ vi trùng gây ra bệnh.
Để bênh vực luận điểm của mình, ông Lữ Giang đã bôi bác và xách mé gọi những người yêu nước là “tín đồ chống cộng”. Ông bôi bác lập trường kiên định của những người này là “con đường mòn chống cộng”. Lối viết lách xỏ lá này của ông Lữ Giang không phải bây giờ mới có, mà đã có và kéo dài bao nhiêu năm nay rồi. Lữ Giang coi hành động chống cộng của tất cả mọi người là thiếu hiệu năng và vô ích, nhưng ông ta chưa bao giờ đưa ra được đường lối nào cả. Lữ Giang chê bai chế độ VNCH, mà ông là một thành viên có chức vụ trong đó, trước kia chạy theo đường lối chiến tranh lạnh của Mỹ. Nhưng bây giờ ông ta lại đề cao diễn biến hòa bình của Hoa Kỳ. Mỹ giao miền Nam cho CS để thắng chiến tranh lạnh. Không lẽ bây giờ Mỹ lại muốn khôi phục VNCH bằng diễn biến hòa bình? Để làm gì, và nhắm lợi ích gì cho nước Mỹ? Thậm vô lý và còn nghịch lý nữa. Ông Lữ Giang đã không nhìn thấy rằng chính phủ Mỹ chẳng chống ai, mà cũng chẳng ủng hộ ai cả. Với các nước dưới cơ, Mỹ không cần bạn, mà chỉ đi tìm những tên tay sai trung thành và dễ sai bảo. Cụ Diệm, ông Thiệu, và cả chế độ VNCH không thể trở thành đầy tớ của Mỹ, nên bị Mỹ tiêu diệt. Bọn CSVN là những tên bán nước, cả cái chế độ cầm quyền tại VN ngày nay là một chế độ bán nước. Bọn bán nước rất dễ dàng trở thành những tên tay sai, nên chúng được Mỹ o bế và mua chuộc. Dản dị là như thế. Cứ tạm chấp nhận lối ăn nói xách mé của ông Lữ Giang, cho rằng lề lối chống cộng của người tỵ nạn là con đường mòn đi nữa, nhưng dù sao cũng đáng tự hào và hãnh diện, vì nó mang tính độc lập và tự chủ. Còn Lữ Giang và đồng bọn ca tụng và chạy theo diễn biến hòa bình bất bình đẳng và một chiều của Mỹ không phải là những kẻ mang nặng đầu óc nô lệ sao? Ông Lữ Giang và đồng bọn nên đọc lại Tổng Thống VNCH Trần Văn Hương và Phó Thủ Tướng Sirit Matak của Campuchea để học hỏi kinh nghiệm của những người không chịu đem thân làm nô lệ cho ngoại bang.
Kết Luận
Con đường duy nhất để giải quyết sự nghèo khổ của xã An Thới Đông, và luận điểm của ông Lữ Giang, bế tắc như thế nào thì chúng tôi đã trình bầy ở trên. Sự bế tắc của con đường đã minh nhiên xác nhận chủ trương ngụy hòa đưa đến HHHG với CS của ông Lữ Giang. Chê bai người khác đi theo đường lối chiến tranh lạnh, nhưng mình lại bám vào diễn biến hòa bình chủ bại của Hoa Kỳ. Sự lươn lẹo chữ nghĩa của Lữ Giang trong cách trình bầy tư tưởng (HHHG) đã tố cáo sự đoản trí, thiển cận và cái dã tâm tay sai của ông.
Đã từ lâu tôi cứ thắc mắc hoài về cái lý do ra đi của ông Lữ Giang khỏi tờ báo Saigon Nhỏ của bà Hoàng Dược Thảo. Mặc dù có cơ hội để trực tiếp hỏi bà về chuyện này, nhưng rồi tôi lại không dám, vì cho rằng đây là việc riêng tư của người khác. Nhưng bây giờ thì tôi cảm thấy không cần phải hỏi nữa, bởi vì cái lý do tôi đã ngộ ra rồi.
Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất